1. Canxi là chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng với trẻ nhỏ

Trong cơ thể con người, 98% canxi nằm trong xương và răng, phần còn lại nằm trong các dịch và các tế bào của cơ thể. Vì xương là mô sống nên hàng ngày canxi đều lắng đọng và thoát khỏi bộ xương nên cơ thể rất cần canxi.

Không chỉ là thành phần cấu tạo cơ bản của xương và răng, giúp hệ thống xương và răng chắc khỏe, canxi còn cần thiết cho các hoạt động của thần kinh cơ, hoạt động của tim, chuyển hoá của thế bào và quá trình đông máu.

Canxi đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ, vì đây là giai đoạn trọng điểm phát triển của hệ xương. Canxi tham gia trực tiếp cấu thành hệ xương và răng ở trẻ. Vì vậy, nếu không được cung cấp đầy đủ canxi, trẻ sẽ bị chậm lớn, suy dinh dưỡng, xương nhỏ và yếu dễ dẫn đến bệnh còi xương, chất lượng răng kém, dễ sâu và răng mọc không đều.

Biểu hiện sớm của còi xương là trẻ hay quấy khóc, nôn trớ, ngủ không yên giấc, hay ra mồ hôi trộm, rụng tóc, thóp rộng chậm liền, bờ thóp mềm, đầu to, răng mọc chậm, lồng ngực dô, chậm biết ngồi, biết đi, biến dạng xương (chân vòng kiềng, chữ bát). Các biến dạng của xương do thiếu canxi làm giảm chiều cao của trẻ.

Canxi cũng rất quan trọng với hệ thần kinh của trẻ em. Những trẻ bị thiếu canxi thường có biểu hiện khóc đêm, hay giật mình và dễ nổi cáu.

Thiếu canxi dẫn đến bệnh còi xương, chậm lớn ở trẻ.

2. Trẻ thiếu canxi chủ yếu do chế độ ăn uống chưa hợp lý

Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở nước ta vẫn còn ở mức cao (23,8% năm 2017). Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là do chế độ ăn của trẻ chưa được quan tâm đúng mức hoặc chưa đúng cách dẫn đến thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng, trong đó có canxi.

Nhu cầu canxi theo khuyến nghị ở trẻ từ 6-11 tháng là 400mg/ngày; Trẻ 1-2 tuổi là 500mg/ngày; Trẻ 3-5 tuổi là 600mg/ngày; Trẻ 6-7 tuổi là 650mg/ngày; Trẻ 8-9 tuổi là 700mg/ngày.

Nếu trong bữa ăn hằng ngày của trẻ cha mẹ không đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng và sử dụng thực phẩm giàu canxi thì trẻ sẽ thiếu loại khoáng chất này. Bên cạnh đó, không phải cứ cho trẻ ăn thực phẩm giàu canxi là đủ mà cần phải bổ sung các dưỡng chất cần thiết giúp cơ thể hấp thu canxi tốt hơn như vitamin D.

Thiếu vitamin D sẽ làm giảm hấp thu canxi ở ruột, cơ thể sẽ huy động canxi ở xương vào máu gây rối loạn quá trình khoáng hóa xương.

Theo TS. BS. Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, muốn cơ thể hấp thụ canxi tốt cần bổ sung thêm các dưỡng chất khác. Dưỡng chất quan trọng giúp cơ thể hấp thu canxi tốt nhất là vitamin D, vitamin D3. Khi canxi đã được hấp thụ vào máu nhưng có tới được xương hay không thì lại cần có các vitamin khác đi kèm như vitamin K2.

Sự hấp thu vitamin D còn phụ thuộc vào dầu mỡ và tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nếu lượng dầu mỡ không đủ trong bữa ăn và trẻ không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời sẽ giảm sự hấp thu vitamin D.

3. Bổ sung canxi cho trẻ như thế nào là tốt nhất?

Để cung cấp đủ canxi cho trẻ, ngay từ lúc mới sinh, trẻ cần được bú mẹ đầy đủ bởi trong sữa mẹ ngoài các chất dinh dưỡng quý giá như chất đạm, chất béo, vitamin thì canxi cũng chiếm tỷ lệ cao.

Sữa mẹ lại rất dễ hấp thu, vì vậy trẻ cần được bú sớm ngay sau sinh và duy trì cho đến 2 tuổi để tận dụng nguồn dinh dưỡng, trong đó có canxi.

Trong chế độ ăn uống hàng ngày của bà mẹ cho con bú cũng cần lưu ý bổ sung các thực phẩm giàu canxi như: tôm, tép, cua, cá, sữa, sữa chua, phô mai; các loại rau như: rau dền, rau mồng tơi, rau muống, cải xoăn… Nên uống thêm sữa vì canxi trong sữa dễ hấp thu.

Giai đoạn trẻ bắt đầu ăn dặm (từ 5 - 6 tháng), bên cạnh việc cho trẻ bú sữa, cha mẹ cần lưu ý chế biến những thực phẩm giàu canxi trong thực đơn của trẻ. Khi trẻ đến tuổi dậy thì và trưởng thành, chế độ ăn bổ sung thực phẩm giàu canxi vẫn cần được ưu tiên.

Để trẻ hấp thu canxi hiệu quả, cần phải bổ sung nguồn thực phẩm giàu vitamin D (có nhiều trong dầu gan cá, cá biển, gan, trứng gà…), dầu mỡ và thường xuyên cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Trẻ cần được cung cấp thực phẩm giàu canxi trong bữa ăn hằng ngày.
Trong trường hợp trẻ thiếu canxi do chế độ ăn hằng ngày không cung cấp đủ canxi, trẻ còi xương do thiếu vitamin D thì có thể uống bổ sung canxi. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý không tự ý dùng thuốc bổ sung canxi cho trẻ. Sử dụng thuốc bổ sung canxi quá liều, kéo dài có thể dẫn đến sỏi thận, tăng canxi huyết, suy thận và ảnh hưởng đến sự hấp thu các khoáng chất khác trong cơ thể. Cách tốt nhất là đưa trẻ đi khám bác sĩ dinh dưỡng để được chẩn đoán chính xác tình trạng của trẻ và được hướng dẫn dùng thuốc phù hợp.