Cảnh giác biến chứng nặng khi tiêm insulin trị đái tháo đường sai cách
Ngày 4/12, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) cho biết, nơi này đã tiếp nhận điều trị cho chị N.T.L. (46 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương). Khai thác bệnh sử, chị L. có mắc đái tháo đường trong gia đình. Khi mang thai, chị bị đái tháo đường thai kỳ kèm tăng huyết áp.
Vì không theo dõi đường huyết và không kiểm soát cân nặng, chị L. phát hiện mắc đái tháo đường túyp 2 sau khi sinh con 1 năm, phải điều trị tích cực suốt 3 năm qua.
Gần đây, chị được chỉ định tiêm insulin để kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên do tâm lý sợ kim tiêm, bệnh nhân không thực hiện đúng thao tác và liều lượng, dẫn đến đường huyết không được kiểm soát tốt, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, khát nước và sụt cân nhanh.
Tại bệnh viện, qua thăm khám, chị L. được bác sĩ chẩn đoán bị tăng đường huyết nặng. Bệnh nhân được xử trí điều chỉnh liều insulin kết hợp theo dõi đường huyết liên tục. Sau một tuần tuân thủ điều trị, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Mã Tùng Phát, khoa Nội tiết, BV ĐHYD cho biết, các yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc đái tháo đường bao gồm: trên 45 tuổi, gia đình có người thân bị đái tháo đường, người ít vận động, chế độ ăn uống giàu carbohydrate tinh chế hoặc đường hấp thu nhanh.
Ngoài ra, những người có bệnh đồng mắc như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, thừa cân - béo phì, người mắc bệnh lý buồng trứng đa nang, đái tháo đường thai kỳ, người có bệnh lý tim mạch do xơ vữa động mạch… cũng thuộc nhóm nguy cơ cao.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tiết cho biết thêm, tăng huyết áp và đái tháo đường không chỉ là một mối liên kết nhân quả đơn thuần, mà còn là sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố nguy cơ. Khi người cao tuổi xuất hiện tăng huyết áp thường đi kèm với sự phát triển của đái tháo đường.
Nguy hiểm hơn, tăng huyết áp tạo ra một chuỗi nguy cơ đối với sức khỏe tim mạch. Để giảm thiểu nguy cơ của các biến cố như đột quỵ và nhồi máu cơ tim, cần kiểm soát chặt chẽ cả tình trạng tăng mỡ máu, tăng huyết áp và đái tháo đường.
Các bác sĩ phân tích, việc tuân thủ điều trị là chìa khóa quan trọng giúp người bệnh đái tháo đường kiểm soát đường huyết hiệu quả. Từ đó, tránh được những cơn tăng đường huyết đột ngột, giảm rủi ro bệnh lý tim mạch và các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Trong đó, tiêm insulin là phương pháp điều trị đái tháo đường phổ biến hiện nay. Khi tự tiêm tại nhà, người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Trước tiên, cần kiểm tra và tiêm đúng liều lượng. Thứ hai, thời gian tiêm cần được tuân thủ, tránh nguy cơ hạ đường huyết. Đặc biệt, cần học kỹ thuật tiêm insulin đúng để tránh tình trạng đau, sưng hoặc nhiễm trùng tại chỗ tiêm. Kỹ thuật tiêm đúng sẽ giúp insulin được hấp thu nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Hiện nay, người bệnh đái tháo đường có thể sử dụng ứng dụng đo đường huyết liên tục (CGM) để tự theo dõi và hỗ trợ kiểm soát đường huyết ngay tại nhà.
Ứng dụng này không cần trích máu ngón tay, cung cấp thông tin đường huyết mỗi vài phút liên tục trong suốt 24 giờ. Người bệnh có thể dựa vào các kết quả đường huyết đo được để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, lịch trình tập luyện và quản lý thuốc một cách chính xác.
Trong quá trình sử dụng CGM, người bệnh có thể liên hệ với nhóm tư vấn đái tháo đường để được hỗ trợ điều chỉnh tối ưu. Điều này không chỉ giúp kiểm soát tốt bệnh mà còn ngăn chặn nguy cơ phát sinh các biến chứng nặng.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.
7 sai lầm trong chế độ ăn uống nên tránh để ngăn ngừa bệnh tiểu đường!
Bệnh tiểu đường là một tình trạng kéo dài suốt đời, có nghĩa là nó không thể đảo ngược được....