Thông tin về vị thuốc hùng hoàng

Hùng hoàng có tên khoa học là Realgar, còn có tên gọi khác là thạch hoàng, hùng tín, hoàng kim thạch. Hùng hoàng không có mùi vị, dễ chảy và bốc hơi ở nhiệt độ 700 độ C..

Hùng hoàng là một vị thuốc đông y, được bộ Y tế xếp vào danh mục dược liệu có độc tính nguồn gốc khoáng vật (yêu cầu bào chế theo đúng quy định của bộ Y tế)

Hùng hoàng trong danh mục thuốc độc tính của bộ Y Tế 

Hiện nay Việt Nam chưa tiến hành khai thác hùng hoàng nên nguyên liệu này thường được nhập từ Trung Quốc. Tại đây có những mỏ hùng hoàng quanh năm có thể thu hoạch để sử dụng. 

Hùng hoàng hiện nay được bán dưới hình thức cục nhỏ, to không đều nhau, có màu đỏ tới vàng cam.

Theo sách "Đông y thiết yếu" của viện Nghiên cứu Trung y, hùng hoàng thường nhầm với thư hoàng. Nếu có sắc đỏ như mào gà, trong suốt không hôi gọi là hùng hoàng. Nếu sắc vàng hồng, mềm như vàng chảy gọi là thư hoàng.

Thành phần hóa học chủ yếu của hùng hoàng là Arsenic disulfide (As2S2) trong đó asen chiếm khoảng 70,1%; sunfua 29%. Còn thư hoàng lưu hành trên thị trường có 60,64% là asen; 30,88% là sunfua; ngoài ra còn có một số tạp chất như sắt (Fe), silic (Si).

Hùng hoàng cực kỳ độc hại

Trong y học cổ truyền, hùng hoàng là một vị thuốc có tính ôn, vị đắng hơi cay, có độc, qui vào kinh can và vị.

Thời xa xưa, hùng hoàng được pha với rượu gạo làm rượu hùng hoàng để uống nhằm phòng ngừa xui xẻo, diệt sâu bọ. Tuy nhiên ngày nay, với việc phân tích được thành phần hóa học của hùng hoàng là hợp chất Asen độc hại thì hùng hoàng không còn được dùng làm rượu.

Hùng hoàng có tác dụng sát trùng, giải độc, chữa ghẻ. Do đó, đông y thường dùng vị thuốc này bôi ngoài chữa mụn nhọt, ghẻ lở, rắn rết cắn. Đặc biệt trong điều trị rắn độc cắn.

Trong đời sống, hùng hoàng từng được các nhà sản xuất pháo hoa sử dụng để tạo ra màu trắng trong pháo hoa trước khi có các nguồn cung cấp các kim loại dạng bột như nhôm, magie.

Vị thuốc này vẫn còn được sử dụng kết hợp với kali clorat để tạo ra loại thuốc nổ tiếp xúc gọi là "thuốc nổ đỏ" cho một số loại ngư lôi và pháo hoa kiểu mới khác gọi là 'cracker ball'. Cũng như trong lõi của một số loại pháo hoa cây.

Người Hy Lạp cổ đại biết rõ hùng hoàng là chất độc hại. Nó từng được sử dụng để làm thuốc độc diệt chuột tại Tây Ban Nha trung cổ và tại nước Anh ở thế kỷ 16. Hiện nay đôi khi nó vẫn được dùng để tiêu diệt cỏ dại, sâu bọ và động vật gặm nhấm.

Vị thuốc hùng hoàng dùng chủ yếu dưới dạng bôi ngoài da - Ảnh minh họa: Internet

Người Trung Quốc cũng biết rõ độc tính của hùng hoàng và nó thường được rắc quanh nhà để xua đuổi rắn và sâu bọ.

Hiện nay, hùng hoàng thường được dùng nhiều dưới dạng bôi ngoài, và cũng vẫn có thể dùng đường uống. Tuy nhiên, bởi vốn dĩ hùng hoàng là một vị thuốc có chứa độc tính nên khi dùng bằng đường uống cần phải có sự thăm khám kĩ càng, lựa đúng thể bệnh, cân nhắc liều dùng, thời gian dùng của bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền.

Các tác dụng đang được thổi phồng trên mạng của hùng hoàng như chữa động kinh, hen suyễn, hay thậm chí ung thư đều chưa có những kết quả nghiên cứu chính thức do đó khuyến cáo người dân tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về sử dụng.

Bác sĩ Mai Ánh Điệp

Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội