Ngộ độc thực phẩm là gì?

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng gây ra do ăn phải thức ăn nhiễm độc. Vi khuẩn, virus và ký sinh trùng hoặc độc tố của chúng là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ngộ độc thực phẩm.

Bạn có thể bị ngộ độc thực phẩm nếu ăn phải thức ăn hoặc nước uống nhiễm độc - Ảnh minh họa: Internet

Bệnh thường không nghiêm trọng, với dấu hiệu đau bụng ngộ độc thức ăn và hầu hết người bệnh đều cảm thấy khỏe hơn sau vài ngày mà không cần điều trị.

Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm

Bạn có thể bị ngộ độc thực phẩm nếu ăn phải thức ăn hoặc nước uống nhiễm độc. Trong quá trình sản xuất và chế biến, thực phẩm có thể bị nhiễm độc bất cứ lúc nào, ví dụ như khi trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển hoặc chuẩn bị.

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn có hại di chuyển từ bề mặt này sang bề mặt khác. Nếu bạn ăn những món ăn không được nấu chín như salad hay các món ăn khác, những vi khuẩn có hại chưa được tiêu diệt này sẽ gây ra ngộ độc thực phẩm.

Đau bụng là triệu chứng về tiêu hóa thường gặp hằng ngày - Ảnh minh họa: Internet

Rất nhiều vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có thể gây ra ngộ độc thực phẩm, trong đó virus là nguyên nhân hàng đầu, sau đó là vi khuẩn.

Chất độc là một nguyên nhân khác. Chất độc có thể được sản sinh ra do vi khuẩn, có sẵn trong thức ăn. Bên cạnh đó, chất độc có thể đến từ một số hóa chất nhất định.

Dấu hiệu đau bụng ngộ độc thực phẩm

Đau bụng là triệu chứng về tiêu hóa thường gặp hằng ngày. Đau bụng thường không kéo dài và có nguyên nhân do nhiễm trùng ở đường tiêu hóa hay rối loạn tiêu hóa nhẹ, ngoài ra đau bụng còn có thể do nhiều nguyên nhân khác.

Các biểu hiện thường gặp của ngộ độc thực phẩm là buồn nôn, nôn, tiêu chảy, triệu chứng đau bụng ngộ độc thường quằn quại, nhức đầu, có thể sốt hoặc không, đôi khi có kèm theo hoặc không có các triệu chứng phụ như chóng mặt, đau cơ, khó thở.

Triệu chứng đau bụng ngộ độc thường quằn quại - Ảnh minh họa: Internet

Triệu chứng cụ thể của ngộ độc thực phẩm tuỳ thuộc vào từng nguyên nhân gây nên:

Nếu nguyên nhân do vi sinh vật (vi khuẩn, virus) hoặc độc tố từ vi sinh vật (độc tố vi khuẩn tiết ra): Người bệnh thường chỉ biểu hiện bệnh ở đường tiêu hoá (như đau bụng, nôn, tiêu chảy), có thể kèm theo các biểu hiện của mất nước (như khát nước, khô môi), nhiễm trùng (thường là sốt, vã mồ hôi).

Nếu nguyên nhân do thực phẩm nhiễm hóa chất, không có chất độc tự nhiên: Bệnh nhân có biểu hiện phức tạp, không chỉ ở đường tiêu hoá mà cả ở các cơ quan khác, ví dụ như hệ thần kinh (đau đầu, chóng mặt), tim mạch (nhịp tim nhanh, trụy mạch).

Nếu nguyên nhân do chính các loại thực phẩm này vốn đã có độc tố: Bệnh xuất hiện ngay sau khi ăn các loại thực phẩm nhất định mà trong tự nhiên được biết là có thể có chứa độc tố: ví dụ như sắn, măng, cá nóc, cóc...

Các yếu tố làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Tuổi già: Quá trình lão hóa khiến cho hệ miễn dịch của bạn bị yếu đi và không phản ứng lại với vi khuẩn gây hại.

Mang thai: Quá trình mang thai dẫn đến một số thay đổi trong chuyển hóa và tuần hoàn, do đó bà bầu đau bụng ngộ độc thức ăn rất dễ xảy ra do phản ứng của cơ thể có thể tệ hơn trong khi mang thai.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Đây là lứa tuổi có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện.

Người mắc bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường, bệnh gan hoặc AIDS.

Đau bụng ngộ độc thức ăn nên làm gì?

Đối với phần lớn bệnh nhân, bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị sau vài ngày, mặc dù một số dạng ngộ độc có thể kéo dài hơn. Tuy nhiên, nếu bạn không thể tự phục hồi, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ của triệu chứng, bác sĩ sẽ chọn cách chữa đau bụng ngộ độc thức ăn cho bạn.

Biện pháp sơ cứu ngộ độc thực phẩm đầu tiên là kích thích để người bị ngộ độc nôn - Ảnh minh họa: Internet

Bác sĩ có thể chỉ định bổ sung lượng nước bị mất đi. Chất lỏng và chất điện giải, bao gồm khoáng chất như natri, kali và canxi, giúp duy trì cân bằng lượng nước cơ thể đã bị mất đi do tiêu chảy. Đó có thể là muối và chất lỏng cung cấp qua đường tĩnh mạch để ngăn ngừa và điều trị mất nước.

Trong trường hợp bạn nhiễm một số dạng ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn nhất định và các triệu chứng rất trầm trọng, bạn sẽ được dùng kháng sinh.

Cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm

Làm gì khi bị đau bụng ngộ độc thực phẩm? Khi thấy chính mình hoặc người thân, người xung quanh đang có các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm như trên, cần bình tĩnh thực hiện tuần tự các bước sơ cứu sau đây:

Gây nôn (nếu bệnh nhân không có biểu hiện nôn)

Để hạn chế độc tố từ thức ăn ngấm vào cơ thể, biện pháp sơ cứu ngộ độc thực phẩm đầu tiên là kích thích để người bị ngộ độc nôn ra những thức ăn đang ở trong dạ dày đi ra ngoài.

Có thể rửa sạch tay rồi đặt vào lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn. Bệnh nhân cần nôn càng nhiều thức ăn trong dạ dày ra càng tốt. Trong lúc tiến hành gây nôn, cần đặt người bệnh nằm nghiêng, phần đầu kê hơi cao để chất thải khi nôn ra không bị trào ngược vào phổi, không kích thích quá mức gây sặc cho người bệnh.

Để dạ dày được nghỉ, bạn không nên ăn uống trong vài giờ - Ảnh minh họa: Internet

Với trường hợp bị ngộ độc thực phẩm đã hôn mê thì không nên thực hiện kích thích gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở.

Cho người bệnh uống thật nhiều nước và được nghỉ ngơi

Sau khi bệnh nhân nôn và đi ngoài liên tục thì cơ thể sẽ bị mất nhiều nước. Chính vì vậy, đó là lúc cần tiến hành bù nước cho người bệnh. Có thể sử dụng nước lọc, dung dịch oresol hoặc uống nước gạo rang để bù lượng nước mất đi.

Gọi cấp cứu hoặc đưa bệnh nhân đến ngay tại cơ sở y tế gần nhất

Vì mặc dù đã tiến hành sơ cứu ban đầu, song bệnh nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm và biến chứng bất cứ lúc nào. Vậy nên, người bị ngộ độc cần được sự trợ giúp và theo dõi từ nhân viên y tế.

Cách chăm sóc người bị ngộ độc thực phẩm

Để cho dạ dày được nghỉ, bạn không nên ăn uống trong vài giờ.

Hãy thử ngậm viên đá nhỏ hoặc uống từng ngụm nước nhỏ. Bạn có thể húp nước canh hoặc uống nước, không chứa caffein.

Khi bắt đầu ăn uống lại, bạn nên chọn những thức ăn nhạt, ít béo, dễ tiêu hóa như bánh mì nướng, rau câu, chuối và cơm.

Nghỉ ngơi nhiều hơn do bệnh và mất nước khiến bạn yếu đi và mệt mỏi.

Sau khi nôn hết thức ăn, cơ thể sẽ rất yếu - Ảnh minh họa: Internet

Sau khi nôn hết thức ăn, cơ thể sẽ rất yếu. Vì vậy, người bệnh phải chú ý dùng các loại thực phẩm không gây khó chịu. Một số thực phẩm bạn nên dùng khi bị ngộ độc thực phẩm như:

Nước: Khi bị ngộ độc thực phẩm thường bị nôn và tiêu chảy, do đó cơ thể mất nước rất nhiều, từ đó mất cân bằng điện giải. Vì vậy, việc bổ sung nước sau khi ngộ độc thức ăn là rất quan trọng. Bên cạnh nước, bạn cũng có thể uống oresol để bù chất điện giải cho cơ thể.

Các loại thức ăn nhẹ và dễ tiêu hóa: Sau khi bị ngộ độc thực phẩm, ruột thường rất yếu. Vì vậy, bạn hãy chọn những món ăn dễ tiêu hóa để ruột tránh làm việc quá sức. Một số món ăn dễ tiêu hóa như cháo, bột yến mạch, khoai tây nghiền nấu chín, các loại trái cây mềm…

Thực phẩm chứa lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa: Việc bổ sung các vi khuẩn có lợi cho đường ruột sau khi bị ngộ độc thức ăn sẽ giúp cân bằng lại hệ vi sinh trong ruột. Yogurt chính là thực phẩm chứa nhiều vi khuẩn có lợi nhất.

Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm như thế nào?

Chọn thực phẩm tươi sạch.

Giữ vệ sinh nơi ăn uống và chế biến thực phẩm.

Sử dụng đồ dùng nấu nướng và ăn uống sạch sẽ.

Chuẩn bị thực phẩm nấu chín kỹ.

Ăn ngay sau khi thức ăn vừa nấu xong hoặc vừa chuẩn bị xong.

Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín và đun kỹ lại trước khi ăn.

Giữ vệ sinh cá nhân tốt.

Sử dụng nước sạch trong ăn uống.

Sử dụng vật liệu bao gói thực phẩm sạch sẽ, thích hợp và đạt tiêu chuẩn vệ sinh.

Thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ.

Tổng kết lại, tình trạng đau bụng ngộ độc thực phẩm gây không ít khó chịu cho người bệnh. Tuy nhiên tình trạng này có thể tự khỏi mà không cần điều trị trừ một số trường hợp nguy hiểm đặc biệt. Quan trọng nhất là việc phòng ngừa và xử trí sơ cứu khi bị ngộ độc trước khi đến các cơ sở y tế điều trị.