Nội dung bài viết:
Thạch tín là gì?
Thạch tín tên khoa học là Asen (bắt nguồn từ từ tiếng Pháp: Arsenic), đây là một nguyên tố hóa học có ký hiệu là As và có số nguyên tử là 33. Thạch tín là chất á kim, có màu xám bạc hay trắng như thiếc, có tính giòn. Asen và các hợp chất của nó được sử dụng trong thuốc trừ dịch hại, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và trong một loạt các hợp kim.
Có 2 loại hợp chất Asen:
- Asen hữu cơ: phần lớn asen hữu cơ nằm trong thực vật và mô thịt động vật. Asen hữu cơ thường vô hại đối với con người.
- Asen vô cơ: có thể tích tụ trong đất đá hoặc hòa tan vào nước. Asen vô cơ có độc tính cao, asen vô cơ chủ yếu xuất phát từ quá trình sản xuất công nghiệp.
Độc tính của hợp chất thạch tín vô cơ cao gấp 4 lần thuỷ ngân. Thạch tín nguyên tố và các hợp chất của thạch tín được Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế và liên minh Châu Âu (EU) công nhận là các chất gây ung thư nhóm 1.
Thạch tín có ở đâu trong tự nhiên?
Trong môi trường tự nhiên, thạch tín là thành phần của lớp trầm tích vỏ trái đất nên nó thường có trong các tầng nước ngầm và nước bề mặt dù chỉ ở hàm lượng thấp (khoảng vài μg/l).
Tuy vậy, ở một số khu vực trên thế giới, mạch nước ngầm có hàm lượng thạch tín rất cao do lớp trầm tích có cấu trúc và thành phần hóa học thuận lợi cho việc hòa tan thạch tín trong đất.
Hiện tượng nước có chứa hàm lượng thạch tín cao được phát hiện tại các khu vực đồng bằng châu thổ trũng, thấp thường xuyên xảy ra lụt, dòng chảy thủy văn chậm, các lớp bồi tích trẻ thiếu oxy thuận lợi cho việc giải phóng thạch tín trong đất vào nước.
Thạch tín không chỉ tồn tại trong nước mà còn có mặt trong không khí, trong đất, thực phẩm và rất dễ xâm nhập vào cơ thể con người. Thạch tín đi vào vào cơ thể con người qua 3 đường chính là hô hấp, tiêu hóa và qua da.
Phơi nhiễm asen ở mức cao hơn trung bình có thể diễn ra ở một số nghề nghiệp. Các ngành công nghiệp sử dụng asen vô cơ và các hợp chất của nó bao gồm: bảo quản gỗ, sản xuất thủy tinh, các hợp kim phi sắt và sản xuất bán dẫn điện tử. Asen vô cơ cũng tìm thấy trong khói tỏa ra từ các lò cốc gắn liền với công nghiệp luyện nấu kim loại.
Nguy cơ ngộ độc thạch tín từ nguồn nước
Thạch tín có mặt trong đất, nước, không khí nên thức ăn, nước uống hàng ngày chúng ta sử dụng đều không thể tránh khỏi việc chứa một hàm lượng thạch tín nhất định. Tuy nhiên, hàm lượng này rất nhỏ và hầu như không làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng khi hàm lượng thạch tín vượt quá mức cho phép sẽ gây độc hại cho cơ thể và là nguyên nhân hàng đầu của ung thư.
Theo Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ quy định lượng Asen (thạch tín) trong nước không thể vượt quá 10 phần tỷ (ppb). Tổ chức y tế thế giới (WHO) đề nghị mức giới hạn của asen là 0.01 mg/L trong nước uống, việc hấp thụ một lượng lớn asen trong một thời gian dài có thể dẫn tới ngộ độc asen hay còn gọi là ngộ độc thạch tín.
Nhiều khu vực trên thế giới đã phát hiện nguồn nước nhiễm thạch tín nặng nề, chẳng hạn như Chile, Bangladesh,Trung Quốc, đặc biệt Việt Nam cũng nằm trong danh sách các quốc gia có tỉ lệ nguồn nước bị nhiễm thạch tín cao.
Có khoảng 100 triệu người trên khắp thế giới bị nhiễm độc asen mãn và đặc biệt nghiêm trọng là Bangladesh (nơi hàng triệu giếng nông được đào từ thập kỷ 70 thế kỷ XX để dùng cho sinh hoạt và làm nước uống bị phát hiện là nhiễm asen vào năm 1993).
Theo nghiên cứu của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường (Bộ Y tế), hiện có hơn 20% dân số Việt Nam đang dùng nguồn nước nhiễm asen. Việc sử dụng nguồn nước nhiễm asen sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người khi tích tụ những chất độc này trong cơ thể. Tuy nhiên, có rất nhiều người vẫn không biết những nguy hại nghiêm trọng này.
Vì sao nước nhiễm thạch tín?
Có nhiều nguyên nhân làm nước nhiễm thạch tín với 1 lượng lớn, trong đó 3 nguyên nhân phổ biến nhất là:
Nguyên nhân thứ nhất
Ngành nông nghiệp - công nghiệp hóa hàng năm đổ cả trăm tấn thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học xuống môi trường đất. Các hóa chất độc hại này theo thời gian sẽ ngấm sâu vào lòng đất và các mạch nước ngầm gây ra ô nhiễm nguồn nước, trong đó có hiện tượng nước bị nhiễm thạch tín.
Nguyên nhân thứ hai
Nước thải công nghiệp chứa kim loại nặng: chì, asen… từ các nhà máy, xí nghiệp đổ ra môi trường.
Nguyên nhân thứ ba
Quan trọng là thạch tín khi hòa tan trong nước sẽ rất khó nhận nhận biết được bằng mắt hay ngửi mùi vị. Thạch tín tan vào nước không gây mùi vị khó chịu, không làm biến đổi màu sắc của nước cả khi hàm lượng thạch tín trong nước đủ để làm chết người. Nguồn nước trong lành và tưởng như là sạch vẫn có thể chứa dư lượng thạch tín.
Ảnh hưởng của thạch tín đến sức khỏe con người
Thạch tín vô cơ là loại hóa chất cực độc và được gọi là “vua của các loại độc”. Lịch sử đã ghi nhận loại chất độc này không chỉ được dân thường mà cả các hoàng tộc trong các vương triều sử dụng trong việc ám sát kẻ thù.
Sở dĩ họ chọn thạch tín bởi vì đây là một chất độc hoàn hảo: không mùi, không vị. Do đó, nạn nhân không thể phát hiện mình bị đầu độc. Nếu một lượng lớn thạch tín xâm nhập vào cơ thể cùng lúc, chúng sẽ tác động xấu đến hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và có thể tử vong ngay lập tức.
Nếu bị ngộ độc thạch tín từ từ, mỗi ngày tích tụ một ít, tuỳ theo mức độ bị nhiễm và thể trạng của mỗi người, có thể xuất hiện nhiều bệnh nguy hiểm từ nhẹ đến nặng như: rụng tóc, buồn nôn, sút cân, giảm trí nhớ, làm rối loạn sắc tố da, sừng hóa gan bàn tay, gan bàn chân, gây hoại tử các vết loét ở tay, chân, cuối cùng là ung thư.
Về lâu dài, về lâu về dài, ngộ độc thạch tín cũng có thể gây hại đến nhiều hệ cơ quan thần kinh, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, sẩy hoặc lưu thai... Thạch tín làm thay đổi cân bằng hệ thống enzym của cơ thể, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phụ nữ mang thai và trẻ em.
Biểu hiện của người bị ngộ độc thạch tín
Việc nhận biết các dấu hiệu nhiễm độc asen rất khó vì dễ nhầm lẫn với các bệnh về da liễu. Theo quy trình hướng dẫn chẩn đoán và xử trí nhiễm độc asen của Bộ Y tế, khi nhiễm độc asen người bệnh thường có những biểu hiện sau:
Ngộ độc thạch tín cấp tính
Bệnh nhân nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy liên tục, khát nước dữ dội, mạch đập yếu, mặt nhợt nhạt rồi thâm tím, tiểu khó và tử vong nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời.
Nhiễm độc thạch tín mãn tính xảy ra do tích lũy lượng nhỏ asen trong thời gian dài
1. Xuất hiện các mảng dày sừng
Trên lòng bàn tay bàn chân nổi lên các sẩn sừng giống như mụn cơm, bé bằng hạt tấm, rồi lớn dần bằng hạt đậu xanh hay hạt lạc, sau đó dần lan rộng thành mảng. Tổn thương này có đặc điểm mọc đối xứng hai bên, đôi khi xuất hiện cả ở lưng, bụng, đùi, cẳng chân, cánh tay. Da tại vùng này có màu vàng, có thể có vết nứt nẻ.
2. Tăng hoặc giảm sắc tố da
Các nốt đen thâm nhỏ (bằng phẳng hay nổi cao) có thể xuất hiện khắp nơi, đặc biệt là những vùng được che kín như: ngực, bụng, cẳng chân. Ngoài ra, có thể xuất hiện các nốt nhỏ trắng, phẳng ở bụng, lưng, ngực, ngang thắt lưng, cẳng tay, cẳng chân. Giảm hoặc tăng sắc tố thường xuất hiện trong giai đoạn đầu nhiễm thạch tín.
3. Tê buốt đầu ngón tay ngón chân
Đây là biểu hiện tắc mạch đầu chi, bắt đầu là tê sau đó dần dần bệnh nhân sẽ cảm thấy đau buốt. Do thiếu máu, các ngón tay chân có thể bị hoại tử.
4. Các biểu hiện khác
Ngoài ra, bệnh nhân nhiễm độc thạch tín mãn còn bị sạm da từng đám lan tỏa, rụng tóc nhiều, rối loạn tiêu hóa, xơ gan, tăng huyết áp, nhiễm độc thai nghén, sinh con nhẹ cân, sảy thai...
Hiện chưa có phương pháp điều trị ngộ độc thạch tín nào có thể tẩy độc asen ra khỏi cơ thể. Những gì có thể làm khi phát hiện bệnh là ngừng dùng nước nhiễm asen và điều trị các triệu chứng. Do vậy, khi có những biểu hiện nghi ngờ, cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị.