Bà bầu có ăn được trứng không?
Ăn trứng khi mang thai có ổn không? Câu trả lời là có, tuy nhiên có một số lưu ý nhất định cần được thực hiện khi mẹ tiêu thụ trứng trong thai kỳ.
Trứng là một siêu thực phẩm chứa đầy khoáng chất, vitamin và chất béo tốt. Ăn trứng trong thai kỳ sẽ cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết cho mẹ và em bé.
Thay vì ăn trứng còn sống, mẹ bầu nên ăn trứng luộc chín khi mang thai để loại bỏ những vi khuẩn có hại trong trứng. Lưu ý khi mẹ chọn mua trứng cần đảm bảo độ tươi của trứng, kiểm tra ngày đóng gói và chỉ mua trứng từ những nơi cung cấp trứng sạch và uy tín.
Lợi ích của việc ăn trứng trong thai kỳ
Trứng là thực phẩm giàu năng lượng và là nguồn dinh dưỡng phong phú cho mẹ. Những điểm được liệt kê dưới đây nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ăn trứng khi mang thai:
Hàm lượng protein cao: Protein là thành phần quan trọng trong việc xây dựng tế bào và hỗ trợ sự phát triển của em bé. Ăn một lượng trứng thích hợp sẽ cung cấp cho bé lượng protein cần thiết để phát triển khỏe mạnh.
Sự phát triển của não: Trứng có chứa choline – chất quan trọng cho sự tăng trưởng và phát triển toàn diện của não, ngăn ngừa phát triển các bệnh như tật nứt đốt sống và bệnh não cho thai nhi.
Lượng calo nạp vào lý tưởng: Mỗi quả trứng chứa khoảng 70 calo, đáp ứng một phần nhu cầu calo hàng ngày cho em bé và người mẹ.
Giúp điều chỉnh lượng cholesterol: Tiêu thụ trứng giúp cân bằng lượng cholesterol trong cơ thể. Phụ nữ nên tránh ăn lòng đỏ trứng khi mang thai nếu mẹ đang có vấn đề về cholesterol máu.
Giàu vitamin A, D, E, K: Trứng chứa đầy đủ 4 loại vitamin tan trong chất béo, đặc biệt là vitamin A. Vitamin A là chất dinh dưỡng thiết yếu, giúp bé tăng trưởng và phát triển bình thường, hỗ trợ phổi, thận, tim, mắt và các cơ quan khác của thai nhi.
Các chất dinh dưỡng khác: Trứng rất giàu chất chống oxy hóa như lutein và zeaxanthin - quan trọng cho sự phát triển mắt và thị giác. Ngoài ra, trứng cũng cung cấp các vitamin thiết yếu như vitamin B12 và vitamin B2.
Rủi ro có thể gặp phải khi tiêu thụ trứng sai cách
Mặc dù trứng là nguồn dinh dưỡng phong phú cho bà bầu, nhưng nó cũng có những rủi ro nếu không tiêu thụ đúng cách:
1. Ngộ độc Salmonella
Trứng sống, chưa nấu chín có thể là vật chủ của vi khuẩn gây bệnh có tên là Salmonella. Vi khuẩn này có thể gây ngộ độc thực phẩm, dẫn đến nôn mửa, tiêu chảy, sốt cao, đau đầu, đau bụng và mất nước.
Trong một số trường hợp, những triệu chứng này có thể đủ nghiêm trọng để gây chuyển dạ sinh non hoặc thậm chí sảy thai. Tình trạng này được gọi là ngộ độc salmonella.
2. Rủi ro khác
Tiêu thụ lòng đỏ trứng cũng có thể dẫn đến những khó khăn trong việc điều chỉnh mỡ máu ở những bà bầu có mức cholesterol cao. Tiêu thụ trứng cũng có thể gây dị ứng như phát ban da, nghẹt mũi, nổi mề đay và các vấn đề khác.
Bà bầu có thể ăn bao nhiêu trứng?
Lượng trứng được đề xuất dao động từ 1 - 2 quả trứng mỗi ngày tùy thuộc vào mức cholesterol của mẹ. Mỗi quả trứng chứa khoảng 185mg cholesterol và cơ thể mẹ chỉ cần khoảng 300 mg mỗi ngày trên tổng số thực phẩm mà mẹ nạp vào.
Số lượng trứng mẹ bầu được tiêu thụ hàng ngày nên dựa trên hàm lượng cholesterol trong phần còn lại của chế độ ăn uống. Để an toàn hơn, việc tiêu thụ lòng đỏ trứng chỉ nên giới hạn ở mức dưới 20 quả trứng trong một tháng. Hầu hết các bác sĩ khuyên rằng phụ nữ mang thai chỉ nên tiêu thụ lòng trắng trứng thay vì ăn cả quả.
Cách lưu trữ và bảo quản trứng
Để giữ cho trứng không nhiễm vi khuẩn salmonella, điều quan trọng là phải bảo quản đúng cách.
- Luôn giữ trứng trong tủ lạnh để giảm thiểu khả năng hư hỏng.
- Cách ly với các thực phẩm khác và lưu trữ trong một cái khay hoặc hộp sạch (không phải hộp đựng trứng khi mua từ cửa hàng.
- Chỉ nên tiêu thụ trứng luộc trong vòng tối đa 3 ngày.
- Các thực phẩm có chứa trứng nên được tiêu thụ ngay lập tức.
- Tránh sử dụng trứng có vỏ bị hư hỏng.
- Đảm bảo rằng trứng không bị quá thời hạn sử dụng.
- Một quả trứng nên tiêu thụ tốt nhất trong vòng 28 ngày kể từ ngày nó được “sinh ra”.
Cách chế biến trứng cho bà bầu
- Một quả trứng nên luộc chín kỹ trong khoảng thời gian tối thiểu là 5-7 phút.
- Mẹ cũng có thể chiên trứng đều cả hai mặt cho đến trứng chín hoàn toàn, lòng đỏ trứng trở nên hoàn toàn rắn chắc, quá trình này mất khoảng 5 phút.
- Không để dính trứng sống lên các dụng cụ hoặc thực phẩm khác.
- Không đặt trứng với các thực phẩm khác bất kể chúng có bị nứt hay không.
Có thể thấy, trứng là thực phẩm bổ sung dinh dưỡng tuyệt vời cho chế độ ăn khi mang thai của mẹ. Khi thêm trứng vào bữa ăn, mẹ nên ghi nhớ những điểm nêu trên để tận dụng tối đa giá trị dinh dưỡng của trứng.