Chị Nguyễn Thị Quyên – TP. Thái Nguyên, Tỉnh Thái Nguyên chia sẻ câu chuyện của bố chị mắc ung thư tuỵ trên diễn đàn bệnh nhân ung thư.

Chị Quyên cho biết trước đó bố chị rất khoẻ mạnh, chưa có bệnh gì. Trong khoảng 1 tháng bố chị đau bụng nhiều, sụt cân, da vàng nên đi khám bác sĩ cho biết bệnh gan, nhưng tình trạng đau bụng ngày càng nặng hơn.

Vì lúc đó gia đình đang sửa nhà nên bố chị cố chịu đựng. Khi đau quá, người thân thúc giục ông mới đến bệnh viện khám.

Kết quả khám tại BV Việt Đức là ung thư đầu tuỵ. Khối u đã phát triển thậm chí di căn gan. Bác sĩ cho biết bệnh đã không can thiệp được bằng phẫu thuật. 

Bố chị Quyên sang BV K Trung ương điều trị hoá chất nhưng được 2 liệu trình sức khoẻ quá yếu nên chị đưa bố về nhà. Từ khi phát hiện bệnh đến lúc qua đời chỉ hơn 1 tháng.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Ung thư toàn cầu - GLOBOCAN năm 2018, Việt Nam có gần 1.000 người mắc mới ung thư tụy và gần 900 người chết vì bệnh này.

Khác biệt với các bệnh ung thư khác, ung thư tuỵ là bệnh ung thư nguy hiểm số 1, bệnh nhân sống trên 5 năm chỉ đạt tỷ lệ vô cùng nhỏ 4%. 

Theo TS Hoàng Đình Chân – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt, bệnh ung thư tuỵ, ung thư gan, ung thư phổi là ba bệnh ung thư nguy hiểm nhất. Đặc biệt, tuyến tuỵ nằm sau dạ dày nên càng khó sàng lọc như siêu âm và CT để phát hiện sớm. Bệnh nhân ung thư tuỵ đều đến bệnh viện khá muộn khi có các triệu chứng lâm sàng như đau bụng... thì khối u đã lớn.

Nguyên nhân gây ung thư tụy chưa được làm rõ. Một số yếu tố nguy cơ bao gồm hút thuốc lá, béo phì, di truyền, đái tháo đường, chế độ ăn, lối sống ít vận động.

TS BS Vũ Hải thực hiện một ca phẫu thuật. 

Theo TS BS Vũ Hải – nguyên bác sĩ BV K Trung ương, tuỵ có chức năng quan trọng cả nội tiết và ngoại tiết. Tuỵ giúp tiêu hoá thức ăn, điều hoà các chất nội môi nuôi cơ thể. Tuyến tụy nằm ở vị trí bụng cao, gần các động mạch và tĩnh mạch chính.

Tuỵ còn nằm ở ngã ba đường mật, tiêu hoá, gan, có ba phần: đầu, đuôi và thân tụy. Khi người bệnh có triệu chứng, bệnh gây tắc mật ngay. Khi bệnh nhân đến bệnh viện đều đã ở giai đoạn muộn nên tỷ lệ tử vong rất nhanh.

Dấu hiệu ung thư tuỵ, bệnh nhân bị đau vùng thượng vị, vàng mắt… men gan và mật tăng lên nên người bệnh có dấu hiệu vàng da. Khối u xâm lấn đường mật và kèm theo ngứa, 80-90% bệnh nhân u đầu tuỵ có vàng da, chỉ có 6% số bệnh nhân u ở thân và đuôi tuỵ, vàng da tắc mật tiến triển từ từ, ngày càng tăng dần, vàng đậm.

Một số khác có dấu hiệu đi đại tiện phân lỏng và mùi nặng do khối u tuyến tụy sẽ chặn đường đi của các enzym tiêu hóa đến ruột nên phân lỏng có mùi của các chất béo dư thừa.

Khi chụp CT hoặc siêu âm có thể thấy u ở đầu tuỵ, thân tuỵ hoặc đuôi tuỵ. Ung thư tuỵ cũng dễ nhầm với ung thư dạ dày, đại tràng.

Ung thư tuỵ hay gặp nhất ở những người từ tuổi trung niên trở lên (trên 50 tuổi), tỷ lệ nam gặp nhiều hơn nữ.

Khi bị ung thư tuỵ, bệnh nhân có thể phẫu thuật được, tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không làm phẫu thuật mà chỉ điều trị triệu chứng.

BS Hải cho biết nếu ung thư ở đuôi tuỵ, thân tuỵ thì phẫu thuật dễ, ung thư ở đầu tuỵ khó phẫu thuật hơn. Việc điều trị phẫu thuật can thiệp cần kết hợp với chăm sóc giảm nhẹ.

Đây là hoạt động nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình người bệnh, những người đang đối mặt với những vấn đề liên quan tới sức khỏe. 
 
Để phòng ung thư tuỵ, các bác sĩ khuyến cáo cách tốt nhất là bỏ thuốc lá, hạn chế bia rượu và ăn uống khoa học.

Béo phì được xem là yếu tố tăng nguy cơ ung thư vì vậy bạn cần kiểm soát cân nặng của mình. Thường xuyên kiểm tra sức khoẻ để đánh giá các bất thường của đường tiêu hoá, gan mật.