Căn bệnh hiểm khiến người đàn ông bỗng yếu 2 chân, đi vệ sinh không tự chủ
Đó là trường hợp của ông S. (63 tuổi, quốc tịch Campuchia). Khai thác bệnh sử, người bệnh cho biết trước đây rất khỏe mạnh, không có bệnh lý gì đặc biệt. Khoảng 1 năm trở lại đây, ông S. bất ngờ bị yếu hai chân và tình trạng ngày càng nặng hơn.
Tại một bệnh viện địa phương, người bệnh được chẩn đoán bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, phải phẫu thuật. Sau mổ, tình trạng yếu chân của bệnh nhân không cải thiện, đồng thời xuất hiện thêm việc đại tiểu tiện không tự chủ, sức khỏe ngày càng suy giảm.
Lúc này, gia đình quyết định đưa ông S. từ Campuchia sang Việt Nam điều trị.
Tại bệnh viện ở TPHCM, qua thăm khám, các bác sĩ nhận định người đàn ông ngoại quốc có khả năng tổn thương tủy ngực, dẫn đến yếu 2 chân và rối loạn tiểu tiện.
Ảnh chụp MRI cột sống ngực và chụp DSA mạch máu tủy cho thấy, người bệnh bị dị dạng mạch máu tủy ngực, gây nên biến chứng phù tủy, giãn tĩnh mạch.
Sau khi xác định nguyên nhân gây nên tình trạng yếu chân của ông S., các bác sĩ lập tức thực hiện can thiệp tắc dị dạng bằng kỹ thuật đưa ống thông siêu nhỏ, tiếp cận ổ dị dạng và bơm keo sinh học vào. Sau 1 tiếng, bác sĩ đã can thiệp thành công, bảo tồn được các mạch máu tủy quan trọng cho người bệnh.
Hậu can thiệp, ông S. phục hồi nhanh chóng, có thể tự kiểm soát vấn đề đại tiểu tiện, cải thiện tình trạng yếu chân. Bệnh nhân cũng tự đứng, đi lại nhẹ nhàng và xuất viện sau 2 ngày can thiệp. Dự kiến, ông S sẽ tiếp tục tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng tại nhà và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Định Chương, khoa Nội thần kinh cho biết, dị dạng mạch máu tủy sống là bệnh lý hiếm gặp, thường xảy ra ở người 30-60 tuổi, gặp nhiều ở nam giới hơn nữ giới. Dị dạng mạch máu có thể gặp ở bất kỳ đoạn tủy sống nào, nhưng thường xảy ra ở vùng tủy ngực.
Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây hủy hoại tủy sống, dẫn tới các biến chứng như khó khăn khi di chuyển, phình mạch, nhồi máu tủy sống, xuất huyết, liệt đột ngột hoặc thậm chí tử vong.
Hiện nay, có các phương pháp điều trị bệnh như can thiệp tắc mạch, phẫu thuật và xạ phẫu. Trong đó, can thiệp nội mạch là phương pháp xâm lấn tối thiểu, đem lại hiệu quả nhanh chóng.
Theo bác sĩ, việc phát hiện và điều trị bệnh sớm đóng một phần quan trọng, giảm thiểu được tổn thương tủy không hồi phục.
Do đó, khi có các biểu hiện bất thường như rối loạn cảm giác và yếu 2 chân, đại tiểu tiện không tự chủ, đau bất thường cột sống, người bệnh cần nhanh chóng đi khám để phát hiện và điều trị kịp thời, tránh các di chứng về sau.
Nam giới bụng to, nhìn cho sang hay chỉ toàn tác hại?
Nam giới bụng to không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình của phái mạnh mà còn là “thủ phạm” của...
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.