Năm 2024, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận 17.340 ca đột quỵ, cao nhất từ trước đến nay. Ảnh: Shutterstock.

Ngày 24/12, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân TP.HCM đã có buổi làm việc với Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhi đồng 1 về phát triển hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân TP.HCM.

Tại buổi làm việc, bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Sóng, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết điều trị bệnh lý mạch máu não là nồng cốt của bệnh viện. Khối thần kinh đã tiếp nhận điều trị cho hơn 16.000 người bệnh đột quỵ/năm, riêng năm nay, con số lên đến 17.340 ca, trong đó có 15% bệnh nhân đột quỵ là do xuất huyết não, gây tàn phế và tử vong cao.

Nước chưa chảy chỗ trũng

Theo bác sĩ Sóng, Bệnh viện Nhân dân 115 là đơn vị đầu tiên trong cả nước áp dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID của Đại học Stanford (Mỹ). Công nghệ này mở ra cơ hội vàng cho người bệnh đột quỵ đến muộn.

"Hiện có hàng nghìn người bệnh nhập viện muộn (6-24 giờ sau khởi phát bệnh) được cứu sống, trong đó hơn 50% người bệnh đã có thể quay trở lại cuộc sống bình thường", bác sĩ Sóng nói.

Tiếp nhận lượng bệnh lớn, nhưng bệnh viện chưa được đầu tư xứng tầm. PGS.TS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết bệnh viện tiếp nhận cho khoảng 1/10 lượng người bệnh đột quỵ của Việt Nam. Con số này bằng tất cả bệnh viện phía Nam cộng lại.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đột quỵ sau khi qua cơn nguy kịch. Ảnh: T.C.

Tuy tiếp nhận một lượng bệnh rất lớn, bệnh viện không có máy móc, phương tiện để chữa trị. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị, nếu có đầy đủ thì việc chữa trị sẽ thuận lợi hơn. Ví dụ, một bệnh viện cửa ngõ mỗi năm tiếp nhận khoảng 1.000 ca bệnh đột quỵ, được đầu tư 5 máy CT Scan, 2 máy MRI, 2 máy can thiệp. Tất cả đều gấp đôi với số máy hiện có ở Bệnh viện Nhân dân 115.

"Phải tiếp nhận lượng bệnh nhân rất lớn đổ về, bệnh viện tuyến cuối chuyên sâu nên được đầu tư đúng với chức năng, nhiệm vụ", PGS Thắng chia sẻ.

TP.HCM dự kiến đầu tư hơn 54.000 tỷ để phát triển y tế

Để phát triển y tế chuyên sâu, phát triển kỹ thuật cao theo định hướng của ngành y tế thành phố, bác sĩ Trần Văn Sóng cho hay bệnh viện đã xin chủ trương xây dựng Khu điều trị nội trú chuyên sâu 500 giường.

Chia sẻ về đề xuất đầu tư cơ sở y tế của các bệnh viện, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho hay thành phố có 20 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến cuối đang thực hiện nhiệm vụ phát triển y tế chuyên sâu. Trong 5 năm qua, thành phố đã triển khai hơn 20 dự án phát triển y tế, đặc biệt là đầu tư trang thiết bị hiện đại, như các hệ thống phẫu thuật robot.

 
Tòa nhà Trung tâm tim mạch và Hồi sức của Bệnh viện Nhi đồng 1 khánh thành năm 2022, được đầu tư định hướng hàng đầu cả nước, ngang tầm khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Duy Hiệu.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong quá trình phát triển y tế chuyên sâu, điển hình là tình trạng quá tải bệnh nhân. Các bệnh viện đang phục vụ khoảng 50% số bệnh nhân từ các tỉnh, những bệnh viện có chuyên khoa đặc thù thì tỷ lệ này lên đến 80%.

"Tình trạng quá tải vẫn còn tồn tại, cùng những vấn đề về nguồn lực, bảo hiểm y tế, viện phí chưa tính đúng tính đủ khiến bệnh viện gặp nhiều khó khăn", PGS Dũng cho hay.

Năm 2025, ngành y tế thành phố có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ, thành phố dự kiến sẽ đầu tư 54.700 tỷ đồng cho các dự án y tế lớn trong giai đoạn 2026-2030. Dự án trọng điểm là xây mới khu điều trị chuyên sâu cho Bệnh viện Nhân dân 115, tổng đầu tư khoảng 2.400 tỷ.

Bệnh viện Nhi đồng 1 có 3 dự án là xây mới khu khám và điều trị ban ngày với kinh phí 120 tỷ đồng, xây mới khu điều trị nội trú với kinh phí 1.534 tỷ và 3 dự án trang thiết bị gần 260 tỷ. Bên cạnh đó, thành phố cũng hỗ trợ cho các dự án đầu tư mới, đặc biệt Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Tâm thần.