Đôi khi cha mẹ thường không kiềm chế được cơn giận của mình nên có những cuộc cãi nhau trước mặt con. Điều này vô tình để lại những ký ức tồi tệ cho trẻ.

Nhiều cha mẹ đã chia sẻ câu chuyện của chính mình và tỏ ra vô cùng bất ngờ vì chỉ một trận cãi vã đã để lại những tổn thương trong lòng con cái.

Một ông bố có con nhỏ chia sẻ: “Ban đầu mình cứ nghĩ em bé còn nhỏ không biết được những điều đang xảy ra xung quanh. Mãi cho tới một hôm lúc hai vợ chồng mình “gây chiến” bé sợ quá òa khóc, lúc đó hai vợ chồng im lặng không nói gì nữa.

Hôm sau đưa con đi khám, bác sĩ mới dặn dò, do nhìn thấy hai vợ chồng cãi nhau mà tâm lý con bị ảnh hưởng nặng. Bác sĩ khuyên không nên cãi nhau trước mặt con nữa, nếu để tình trạng này diễn ra lâu, dễ ảnh hưởng tới tâm lý con cái”.

Một bà mẹ khác chia sẻ, hôm đó hai vợ chồng có to tiếng với nhau, chồng cô vì bất cẩn mà làm rơi chiếc bình hoa, lúc đó cô con gái 10 tuổi của chị đang đứng gần đó. Sáng hôm sau, trong bữa cơm trưa, người mẹ bất cẩn làm rơi chiếc bát, cô con gái liền to tiếng: “Mẹ đúng là cái đồ hậu đậu, chẳng được tích sự gì”.

Sau câu nói này của đứa con, cả hai vợ chồng lúc ấy đều giật mình xấu hổ. Bởi hôm qua, trong lúc tức giận, người vợ đã buột miệng mắng chồng y như thế, giờ cô con gái chỉ là bắt chước mẹ.

Cuộc sống vợ chồng không tránh khỏi những bất đồng, cãi vã. Đối mặt với những vấn đề này, cách giải quyết của cha mẹ không những sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con cái.

Dưới đây là 6 hậu quả khi cha mẹ cãi nhau trước mặt con

Giảm hiệu suất nhận thức

Một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên tạp chí Phát triển trẻ em cho thấy rằng, căng thẳng liên quan đến việc sống trong một ngôi nhà có xung đột cao sẽ làm giảm hiệu suất nhận thức của trẻ. Khi cha mẹ căng thẳng thường xuyên, trẻ em gặp khó khăn hơn trong việc điều chỉnh sự chú ý và cảm xúc. Khả năng giải quyết vấn đề và tiếp thu các thông tin mới cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Trẻ trở nên hung hăng

Chứng kiến cha mẹ bất hòa, thậm chí đánh nhau sẽ làm tăng nguy cơ trẻ đối xử với người khác bằng sự thù địch. Khi thấy bố mẹ cãi nhau trước mặt trẻ, trẻ em sẽ học được rằng cãi nhau là cách giải quyết vấn đề. Từ đó trẻ em sẽ bắt chước cha mẹ và giải quyết các vấn đề cá nhân của chúng bằng cãi vã và đánh nhau. Hành vi hung hăng này có thể khiến trẻ gặp rắc rối ở trường học, ảnh hưởng đến các mối quan hệ bạn bè của trẻ.

Trẻ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm

Nhóm nghiên cứu từ Trường Đại học Cambridge (Anh) tìm hiểu 238 người từ 15 đến 18 tuổi. Họ được đề nghị thực hiện một bài kiểm tra để đánh giá khả năng xử lý những thông tin có liên quan đến cảm xúc. Theo đó, những người có kết quả thấp nhất khi làm bài kiểm tra trên thì nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao gấp bốn lần so với những người khác. Thống kê cho thấy, những người này thường xuyên chứng kiến cảnh bố mẹ cãi nhau trong khoảng thời gian hơn sáu tháng và trước khi lên 6 tuổi.

Tăng nguy cơ lạm dụng chất kích thích ở tuổi vị thành niên

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sống trong một ngôi nhà có mức độ xung đột cao sẽ làm tăng tỷ lệ hút thuốc, uống rượu và sử dụng cần sa ở trẻ.

Trẻ gặp rắc rối về thể chất

Khi thấy cha mẹ cãi nhau, trẻ cảm thấy buồn bã, lo lắng. Cảm giác này có thể sẽ được chuyển thành bệnh đau đầu hoặc đau dạ dày. Khi buồn bã, trẻ không muốn ăn hoặc ngược lại, ăn quá nhiều để đối phó. Lo lắng sẽ khiến trẻ khó ngủ vào buổi tối khi phải suy nghĩ về các mâu thuẫn đã xảy ra trong ngày.

Nhìn nhận tiêu cực hơn về cuộc sống

Trẻ em được nuôi dưỡng trong những ngôi nhà có cha mẹ thường xuyên xảy ra bất hòa sẽ hình thành những quan điểm tiêu cực về mối quan hệ trong gia đình. Trẻ cũng có nhiều khả năng nhìn nhận bản thân theo cách tiêu cực.