Dù theo thông tin chính thức từ Bộ Y tế mới đây, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận biến thể phụ BA.2.75 của biến chủng Omicron, nguy cơ xâm nhập vào nước ta của biến thể phụ này vẫn được các chuyên gia đánh giá là hoàn toàn có thể.

Đáng chú ý, BA.2.75 hiện được các nhà khoa học đặt biệt danh là Centaurus - Nhân Mã. Theo tiến sĩ, bác sĩ Lê Kiến Ngãi, khoa Dự phòng và Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, những cái tên này có nguyên nhân cụ thể của chúng.

Nguồn gốc cách đặt tên biến chủng của SARS-CoV-2

Theo TS Ngãi, trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vào thời điểm đầu năm 2020, thế giới chỉ biết về một biến chủng duy nhất của SARS-CoV-2 kiểu hoang dã.

Tại thời điểm đó, không ai hình dung được đại dịch Covid-19 sẽ xảy ra những gì và SARS-CoV-2 sẽ xuất hiện các biến chủng ra sao.

Tuy nhiên, thời gian sau đó, các nhà khoa học bắt đầu phát hiện ra các biến chủng mới của SARS-CoV-2. Từ đặc điểm của biến chủng khiến họ quan tâm hoặc lo lắng, các nhà khoa học bắt đầu đặt biệt danh cho biến chủng của SARS-CoV-2 theo những tính chất như vậy.

Lúc này, các biến chủng được đặt một số biệt danh như “Biến chủng đáng quan tâm” (Variant of interest - VOI), “Biến chủng đáng lo lắng” (Variant of concern - VOC), “Biến thể có hậu quả nghiêm trọng” (Variant of High Consequence - VOHC)…

Các biến chủng của SARS-CoV-2 từng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân Việt Nam. Ảnh minh họa: Phạm Ngôn.

Theo TS Ngãi, cũng đã có thời điểm các nhà khoa học đặt tên biến chủng của SARS-CoV-2 theo địa điểm lần đầu nó xuất hiện như biến chủng Kent (một hạt ở Đông Nam nước Anh), biến chủng Nam Phi, biến chủng Ấn Độ, biến chủng Brazil…

Sang đến năm 2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nỗ lực thay đổi cách đặt tên này. Theo đó, tên các biến chủng của SARS-CoV-2 sẽ được đặt theo bảng chữ cái Hy Lạp nhằm hạn chế tình trạng phân biệt chủng tộc và bài ngoại.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gọi biến chủng virus SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19 là virus Trung Quốc (China virus) do lần đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc. Điều này đã gây ra rất nhiều tranh cãi ở thời điểm đó.

Từ đây, “Biến chủng Kent” được đặt tên lại là “Biến chủng Alpha”; “Biến chủng Nam Phi” được gọi lại là “Biến chủng Beta”; “Biến chủng Ấn Độ” có tên mới là “Biến chủng Delta” hay “Biến chủng Brazil” trở thành “Biến chủng Gamma”...

Không nên đặt tên cho các biến thể phụ của Omicron

Tới ngày 22/11/2021, tại một phòng xét nghiệm ở Botswana (Nam Phi), một “hậu duệ” nữa của SARS-CoV-2 xuất hiện và được đặt tên là Omicron.

Đến nay, biến chủng này đã thống trị ở hầu hết quốc gia trên thế giới. Đáng nói, trong những tháng gần đây, các biến thể phụ của biến chủng Omicron liên tục xuất hiện và gây lo ngại cho cộng đồng thế giới.

Một trong số đó được giới chuyên môn đặt tên là BA.2.75. Mặt khác, trên các trang mạng xã hội, biến thể phụ BA.2.75 được đặt biệt danh là Centaurus (Nhân Mã).

Việc đặt tên này làm cho nhiều người lo lắng do nghĩ rằng có thể một biến chủng mới tương tự Alpha, Beta, Delta đã xuất hiện.

Các chuyên gia cho biết biến thể phụ này lần đầu tiên xuất hiện tại Ấn Độ vào tháng 5 và được đánh giá có khả năng lây lan nhanh hơn các biến thể phụ Omicron khác.

Chúng ta có đang thổi phồng quá mức sự nguy hiểm của BA.2.75? Ảnh minh họa: annie_spratt.

 

 Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa chỉ định BA.2.75 là biến thể phụ đáng quan tâm theo đúng nghĩa của nó.

Mặt khác, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) đã chỉ định BA.2.75 là một “biến thể đang được theo dõi” vào ngày 7/7 vì nó được phát hiện ở các nước Châu Âu bao gồm cả Vương quốc Anh và Đức.

Tiến sĩ Spyros Lytras, Trung tâm Nghiên cứu Virus, Đại học Glasgow, nói với Medical News Today: “Tôi đồng ý với cách tiếp cận hiện tại của WHO về việc không vội chỉ định đặt tên bất kỳ biến thể phụ mới nào của biến chủng Omicron là ‘Biến thể đáng quan tâm’”.

Theo vị chuyên gia này, sự xuất hiện của Omicron là sự kiện quan trọng trong quá trình tiến hóa của virus cũng như sự diễn biến của đại dịch. Việc đặt tên cho mọi biến thể phụ của Omicron bằng một chữ cái mới trong tiếng Hy Lạp sẽ gây ra những suy nghĩ sai lệch về Omicron ở thời điểm hiện tại.

Các chuyên gia nhận định BA.2.75 có cấu trúc đột biến rất độc đáo nhờ virus đột biến thành hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chủng cạnh tranh. Những đột biến này có thể khiến giới khoa học phải cảnh giác cao độ. Bởi vô số đột biến mới có thể lây truyền mạnh mẽ hơn hoặc né tránh miễn dịch tăng lên.

Tại Ấn Độ, "gia đình Omicron" đang không ngừng phát triển. Ngoài BA.2.75, các báo cáo gần đây từ nước này cho thấy còn có nhiều dòng khác như BA.2.74 và BA.2.76 cũng đang lây lan cùng lúc.

Hiện tại, các trình tự chính xác không có sẵn để xem trên cơ sở dữ liệu GISAID. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng về cơ bản 3 chủng trên đều chia sẻ cùng một loại protein gai. Sự khác biệt chủ yếu nằm ở bên ngoài protein gai, giống BA.2.75 và các chủng khác.

Tuy vậy, không ít nhà khoa học cho rằng chúng ta đang thổi phồng quá mức sự nguy hiểm của BA.2.75. Bằng chứng là tỷ lệ nhập viện và tử vong ở Ấn Độ không có sự thay đổi.

Theo một nhà virus học Shahid Jameel, Đại học Oxford, Anh, BA.2.75 không gây nguy cơ tái nhiễm lớn cho người nhiễm BA.5. Trong khi đó, tiến sĩ Ben Krishna, Đại học Cambridge, nhận định nhờ tiêm chủng, chúng ta sẽ đối mặt được với BA.2.75.

Đặc biệt, BA.2.75 cũng không xuất hiện nhiều ở các quốc gia khác. Tại Mỹ, đa số ca mắc (88%) vẫn là chủng BA.5, còn lại là các chủng khác như BA.4 (6,6%) và BA.4.6 (4,8%). Số ca nhiễm BA.2.75 khá thấp và không đủ để được liệt kê chính thức trong dữ liệu ca bệnh của Mỹ.