Bệnh vảy nến là gì?

Bệnh vảy nến là bệnh lý về da mạn tính, có tính chu kỳ và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường ít gây đau đớn nhưng lại gây ngứa ngáy, khó chịu, đặc biệt vảy nến vùng da đầu là hay gặp hơn cả. Bệnh tiến triển từng đợt và có thể dai dẳng suốt đời.

Ở một người bình thường luôn diễn ra quá trình tế bào da cũ chết đi, bong ra và được thay thế bởi các tế bào da mới. Còn ở người mắc bệnh vảy nến, quá trình này lại diễn ra nhanh gấp 10 lần khiến các tế bào da cũ và mới dồn lại tạo thành những mảng dày, có vảy trắng.

Bệnh vảy nến là bệnh lý về da mạn tính, có tính chu kỳ - Ảnh minh họa: Internet

Bệnh vảy nến có thể xuất hiện ở lứa tuổi từ 15 - 23 tuổi hoặc ở muộn hơn từ 50 tuổi trở lên. Bệnh có biểu hiện rất đa dạng, xuất hiện ở nhiều mức độ song ở mức độ nào nó đều ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người bệnh.

Nguyên nhân bệnh vảy nến

Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh vảy nến. Ngoài ra có một số ý kiến cho rằng vảy nến có liên quan đến gen và rối loạn miễn dịch ở cơ thể người bệnh, từ đó dẫn đến các tế bào da tăng sinh nhanh so với bình thường.

Những yếu tố về môi trường cũng được coi là những nguyên nhân khởi phát, thúc đẩy cũng như làm nặng thêm bệnh vảy nến.

Chấn thương: vảy nến có thể xuất hiện ở những da bị chấn thương thậm chí cả những vết trầy xước nhẹ.

Nhiễm trùng thường thấy ở nhiễm trùng đường hô hấp trên như viêm họng, viêm amidan. Điều này có thể là nguyên nhân gây bệnh cũng như làm bệnh nặng thêm.

Sử dụng một số thuốc về điều trị tăng huyết áp, sốt rét hay là các loại thuốc không steroid  (NSAIDs) cũng có thể gây khởi phát hoặc làm nặng thêm bệnh vảy nến.

Bệnh vảy nến có thể xảy ra đối với những người có dấu hiệu của stress, luôn trong trạng thái buồn phiền, lo lắng, giận dữ.

Yếu tố thời tiết cũng là yếu tố dễ gây bùng phát bệnh vảy nến đặc biệt là thời tiết lạnh và khô. Tuy nhiên, một số người thường bùng phát bệnh nặng hơn khi tiếp xúc với nắng.

Rượu cùng các chất kích thích như thuốc lá, café cũng có thể gây ra bệnh vảy nến.

Bệnh vảy nến có bị lây không?

Nguyên nhân bệnh vảy nến là không phải do virus hay vi khuẩn gây nên. Do đó, bệnh vảy nến không lây nhiễm từ người này sang người khác thông qua việc tiếp xúc lẫn nhau.

Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác gây ra bệnh vảy nến - Ảnh minh họa: Internet

Tuy nhiên, vảy nến được nghiên cứu cho thấy có tính di truyền (10% con mắc bệnh nếu bố hoặc mẹ bệnh, 40% con mắc bệnh nếu cả bố và mẹ đều bệnh).

Dấu hiệu bệnh vảy nến

Ở da thường có biểu hiện là các vết đỏ có vảy trắng, dày, bao gồm nhiều lớp xếp chồng lên nhau rất dễ bong, nhìn rất giống với giọt nến. 

Các vị trí hay gặp nhất là các vùng da tỳ đè như: khuỷu tay, đầu gối, vùng xương cùng, mông hoặc rìa tóc. Đặc biệt sau một thời gian tiến triển, triệu chứng bệnh vảy nến có thể lan ra toàn thân.

Vảy nến ở rìa tóc gây mấy thẩm mỹ cho người bệnh - Ảnh minh họa: Internet

Thông thường người bị bệnh vảy nến ngứa nhiều, một số trường hợp cảm giác châm chích, bỏng rát.

Ở móng: bệnh nhân vảy nến thường có các biểu hiện móng ngả màu vàng đục, có các chấm lỗ rỗ trên bề mặt. Nặng hơn có trường hợp móng dày, dễ mủn thậm chí mất cả móng.

Ở khớp: biểu hiện hay gặp nhất là viêm khớp mạn tính, biến dạng khớp, cứng khớp, lệch khớp, bệnh nhân cử động đi lại rất khó khăn... Một số bệnh nhân thương tổn da rất ít nhưng biểu hiện ở khớp rất nặng, đặc biệt là khớp gối và cột sống.

Các thể bệnh vảy nến thường gặp

Triệu chứng đặc trưng của bệnh vảy nến là những mảng dày màu đỏ được phủ bởi các vảy trắng hoặc bạc. Ngoài ra, tùy theo vị trí xuất hiện và đặc điểm của tổn thương mà có các triệu chứng riêng biệt theo từng dạng bệnh như:

  • Vảy nến thể mảng: các mảng da xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối và vùng dưới lưng.
  • Vảy nến mụn mủ: xuất hiện mụn mủ ở vùng da tay và chân.
  • Vảy nến da đầu: trên da đầu có vảy hoặc những mảng da dày màu trắng bạc.
  • Vảy nến giọt: tổn thương có dạng giọt nước xuất hiện khắp cơ thể, thường gặp ở trẻ em, sau đợt viêm họng do Streptococcus.
  • Viêm khớp vảy nến: sưng khớp ngón tay, ngón chân hoặc xương sống, đầu gối...
Vảy nến thể móng có thể làm mất móng - Ảnh minh họa: Internet
  • Vảy nến móng: móng dày, có những lỗ nhỏ trên bề mặt móng.
  • Vảy nến nếp gấp: gặp ở người bị béo phì, tổn thương ở các vùng nếp gấp của da như nách, háng, mông...

Bệnh vảy nến có nguy hiểm không?

Để trả lời thắc mắc này, chúng ta cần biết các biến chứng của bệnh vảy nến gây ra.

Vảy nến là một bệnh không ổn định, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng, người bệnh có thể bị các biến chứng sau: đỏ da toàn thân, vảy nến mủ, viêm khớp, nhiễm trùng da...

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy vảy nến là yếu tố nguy cơ đối với hội chứng chuyển hóa và bệnh tim mạch (nghĩa là dễ mắc hội chứng chuyển hóa và bệnh tim mạch hơn), nhất là đối với những người bị vảy nến nặng.

Chẩn đoán bệnh vảy nến

Vảy nến được chẩn đoán chủ yếu thông qua thăm khám. Bác sĩ chuyên khoa da liễu sẽ khám sang thương trên da, móng và các vị trí tổn thương để xác định chính xác bệnh vảy nến.

Trong trường hợp sang thương trên da không rõ ràng, bác sĩ sẽ sinh thiết vùng da bị tổn thương để chẩn đoán chính xác.

Bệnh vảy nến có chữa được không?

Vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến - Ảnh minh họa: Internet

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến. Mục tiêu chính của việc điều trị (dùng thuốc, thuốc sinh học, quang trị liệu...) là giảm viêm và kiểm soát tình trạng tăng sinh tế bào da, giúp người bệnh kéo dài thời gian ổn định và ngăn ngừa tối đa các biến chứng của bệnh.

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến nên ăn gì?

Cá biển chứa nhiều omega - 3 như cá hồi, cá thu, cá saba... Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, omega-3 có tác dụng ức chế các chất gây viêm trong bệnh vẩy nến như leucotrien 3 và 5. Vì vậy, nếu dùng 150g cá biển mỗi ngày trong một thời gian dài sẽ rất hiệu quả trong chữa trị.

Rau quả có nhiều beta-caroten như: trái bơ, cà rốt và đặc biệt là xoài, có khả năng hữu hiệu để bảo vệ cấu trúc da.

Vừng đen: trong vừng đen vừa có chứa nhiều dầu béo có cấu trúc tương tự omega - 3, vừa cung cấp vitamin E cần thiết cho lớp sợi liên kết (collagen) dưới da. Vì vậy, các món ăn chế biến từ vừng đen rất tốt cho người mắc bệnh vảy nến.

Bông cải xanh: acid folic luôn có vai trò quan trọng trong tiến trình tổng hợp kháng thể. Bông cải xanh được bổ sung trong bữa ăn hàng ngày sẽ cung cấp lượng acid folic thiết yếu cho da đầu.

Nghêu sò: kẽm là khoáng chất vô cùng cần thiết cho da và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Trong đó, nghêu sò lại cung cấp lượng kẽm rất lớn. Nếu như không bị dị ứng hải sản thì đây là một nguồn dinh dưỡng tốt cho người bệnh vảy nến.

Bệnh vảy nến phải kiêng gì?

Người bệnh vẩy nến cần thận trọng với các món ăn lạ dễ gây dị ứng nhất là món đồ ăn nhiều protein và tanh: tôm, cua, ghẹ, măng, cà, lạp xưởng , xúc xích, gà, đồ hộp, trứng...

Đồ uống có chất kích thích: rượu, bia, cà phê, trà, thuốc lá, tiêu, ớt...

Đồ ăn có chứa nhiều chất béo: đường, sữa, mỡ, bơ, chocolate, đồ ngọt tổng hợp...

Phòng bệnh vảy nến như thế nào?

Ngoài chế độ dinh dưỡng đã nêu trên, người bệnh vảy nến cần thực hiện một số biện pháp sau để tăng hiệu quả điều trị và phòng bệnh vảy nến nặng thêm:

Chế độ ăn có thể làm bệnh vảy nến đỡ nặng nề hơn - Ảnh minh họa: Internet

Tránh căng thẳng thần kinh, sinh hoạt điều độ, hạn chế chất kích thích (rượu, cà phê...).

Sinh hoạt ăn uống điều độ. Hàng ngày cần vệ sinh thân thể, tắm sạch sẽ giúp loại bỏ các vảy và da viêm. Không nên dùng nước nóng và xà phòng có chất tẩy mạnh, vì có thể làm tăng các triệu chứng.

Ngoài ra, người bị vảy nến cần hạn chế tiếp xúc với hóa chất như xà phòng, dầu gội, sữa tắm... cũng như các loại nước hoa, son phấn, kem dưỡng da, thuốc nhuộm tóc...

Dành thời gian mỗi buổi sáng sớm phơi nắng khoảng 15 phút sẽ rất tốt cho người bệnh. Tuy nhiên, không nên ở quá lâu dưới ánh nắng mặt trời, vùng da thương tổn không được gãi, kỳ cọ, chà xát để tránh lan rộng thêm.

Bệnh vảy nến là bệnh không ổn định, tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây khó chịu, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, người bệnh vảy nến cần tuân thủ điều trị của bác sĩ cũng như thực hiện một số biện pháp giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng thêm.