Căn bệnh nhiều biến chứng nguy hiểm

Theo bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần Kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), các dấu hiệu của bệnh sởi ban đầu rât dễ nhầm với triệu chứng sốt phát ban thông thường. Trẻ sốt phát ban thông thường sẽ phát ban sau khi giảm sốt, ban nổi đồng loạt và sau khi bay thường sẽ không có dấu tích gì.

Sởi hay còn gọi ban đỏ, là bệnh truyền nhiễm cấp tính, rất dễ lây do virut thuộc nhóm RNA Paramyxovirus gây nên. Trẻ sẽ ủ bệnh từ 7 – 21 ngày sau đó sẽ cõ những dấu hiệu như sốt cao dần, sổ mũi nhiều, ho khan kéo dài, khàn tiếng, có hạt Koplik trong miệng, viêm long kết mạc ở mắt.

Sau khi sốt 2 – 3 ngày, trẻ sẽ bắt đầu phát ban. Ban mọc theo thứ tự từ mặt xuống chân, khi ra ban trẻ vẫn tiếp tục sốt cao và kèm theo tiêu chảy. Đến khi ban mọc tới chân sẽ hết sốt và ban bắt đầu bay.

Sởi ở trẻ sẽ bắt đầu phát ban theo thứ tự từ đầu đến chân. Ảnh internet. 

Bệnh sởi ở trẻ thường lây qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, dịch tiết từ mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra ngoài. Do đó, bệnh dễ lây lan ở những khu vực đông người như nhà trẻ, trường học, khu dân cư đông người và dễ tạo thành dịch.

Trẻ nhỏ, người có hệ miễn dịch kém là những đối tượng dễ mắc bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, sởi sẽ trở thành căn bệnh nguy hiểm với nhiều biến chứng như suy dinh dưỡng, nhẹ cân, tiêu chảy, viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa… thậm chí gây tử vong.

Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh sởi ở trẻ em. Theo y học hiện đại, cách chữa bệnh chủ yếu vẫn là cải thiện triệu chứng, giữ gìn vệ sinh cá nhân và có chế độ ăn uống hợp lý.

Các ông bố bà mẹ khi thấy trẻ có các triệu chứng như sốt cao liên tục, khó thở, thở nhanh, trẻ mệt mỏi, ăn uống kém, phát ban hết toàn thân mà vẫn sốt…thì nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để đươc bác sĩ thăm khám kịp thời.

Phòng bệnh sởi cho trẻ

Cha mẹ cần cách ly trẻ bệnh với trẻ lành. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt tại nhà theo chỉ định của bác sĩ khi thấy con sốt trên 38.5°C.

Vệ sinh chính là yếu tố tiên quyết trong phòng ngừa bệnh sởi nên cha mẹ cần tắm rửa cho trẻ hàng ngày bằng nước ấm. Tránh quan niệm kiêng tắm, kiêng gió sẽ chỉ làm cho bệnh trầm trọng hơn.

Vệ sinh chính là yếu tố quan trọng trong phòng bệnh cho trẻ. Ảnh internet. 

Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, vệ sinh môi trường xung quanh và phòng ngủ của trẻ được thông thoáng sạch sẽ.

Người thân chăm sóc trẻ tốt nhất nên đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ trước và sau khi tiếp xúc với trẻ bị nhiễm bệnh.

Để chăm sóc mắt cho con, cha mẹ có thể dùng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, ngày 3 lần.
Với trẻ nhỏ đang bú mẹ thì cần tích cực cho con bú. Trẻ trên 6 tháng tuổi, cha mẹ nên có chế độ ăn uống hợp lý cho trẻ để rút ngắn thời gian lành bệnh.

Ngoài ra, khi chọn thức ăn cho con nên chọn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và cần được nấu chín kỹ. Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày để tránh cho trẻ ăn một lúc quá no.

BS Khanh chia sẻ thêm, cách phòng bệnh tốt nhất cho trẻ hiện nay vẫn là tiêm phòng. Ở Việt Nam, trẻ được tiêm phòng mũi sỏi đơn đầu tiên lúc 9 tháng tuổi, mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi. Tuy nhiên, nếu vì lý do nào đó mà trẻ quên lịch tiêm phòng cho trẻ thì mẹ có thể tiêm bổ sung cho con tại các phòng khám ở bệnh viện. Việc tiêm phòng càng sớm sẽ càng có lợi cho sức khỏe trẻ nhỏ.

Cha mẹ cần đưa trẻ đi chích ngừa khi đến thời điểm. Ảnh internet. 

Nếu một số bệnh viện đồng ý chích mũi 3 trong 1 (MMR) cho trẻ từ lúc 9 tháng tuổi thì mẹ có thể cho trẻ thực hiện, tuy nhiên cần nhắc lại một lần nữa khi trẻ được 12 – 15 tháng tuổi.

Nếu mũi đầu tiên trẻ chọn chích sởi đơn thì đến 12 -12 tháng tuổi, cha mẹ vẫn có thể cho trẻ chích 3 trong 1 để ngừa thêm quai bị và Rubella.