Bệnh nhân ung thư dễ bị nấm miệng: Phòng ngừa như thế nào?
Theo Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, bệnh nhân ung thư có thể được điều trị bằng hóa trị, xạ trị, hóa xạ trị đồng thời. Trong quá trình điều trị họ gặp rất nhiều vấn đề như: đau, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, khó thở, táo bón, mất ngủ.
Bên cạnh đó bệnh nhân có kèm theo nhiễm khuẩn, nhiễm nấm thì càng làm cho tình trạng bệnh nặng nề hơn, chất lượng cuộc sống bị giảm sút, làm giảm hiệu quả điều trị.
Nấm miệng là gì ?
Nấm miệng là một trong những bệnh phổ biến trong đời sống. Nó còn được gọi với cái tên khác là nấm lưỡi hay tưa lưỡi. Đây là tình trạng niêm mạc lưỡi, miệng, họng và thực quản bị nấm Candida albicans phát triển quá mức kiểm soát ở niêm mạc miệng.
Trong đó, Candida là một sinh vật thường trú trong miệng nhưng đôi khi chúng phát triển quá mức và gây ra các triệu chứng nấm miệng. Chúng gây tổn thương màu trắng kem, thường là trên lưỡi hoặc niêm mạc má. Các tổn thương có thể bị đau và có thể chảy máu một chút khi cạo chúng. Đôi khi nấm có thể lây sang vòm miệng, nướu răng, amidan hoặc sau cổ họng.
Tại sao bệnh nhân ung thư thường bị nấm miệng?
Nấm miệng là bệnh ít xảy ra trên người lớn khỏe mạnh. Ở điều kiện bình thường, nấm Candida vẫn kí sinh trong khoang miệng, chung sống hòa bình với hàng triệu vi sinh vật khác. Chúng không gây bệnh vì bị kìm hãm lẫn nhau và chịu tác động của hệ miễn dịch.
Khi bị ung thư, người bệnh thường phải điều trị bằng những phương pháp như hóa trị, xạ trị.
Hóa trị là quá trình tiêu diệt hoặc kìm hãm các tế bào ung thư bằng thuốc. Các thuốc dùng trong hóa trị có nhược điểm chung là gây suy yếu hệ miễn dịch của cơ thể.
Hậu quả là bạch cầu (chiến binh dũng mãnh nhất của hệ miễn dịch) bị giảm đáng kể về số lượng. Cơ thể không còn khả năng tự bảo vệ khỏi những tác nhân gây bệnh thông thường như nấm.
Khi hóa trị kết hợp với xạ trị cho bệnh nhân ung thư vùng đầu cổ, nguy cơ nấm miệng càng tăng lên đáng kể. Nguyên nhân là bởi xạ trị gây hoại tử da và tổn thương các tế bào niêm mạc miệng. Nó tạo điều kiện cho nấm xâm nhập làm ổ và gây bệnh.
Dấu hiệu nhận biết nấm miệng
Khi mới xuất hiện, nấm miệng có thể chưa biểu hiện triệu chứng cụ thể. Sau khi đã phát triển đến mức độ lớn hơn, người bệnh mới nhận ra nấm nhờ các dấu hiệu sau đây:
- Xuất hiện các mảng màu trắng hoặc vàng nhạt giống phô mai ở lưỡi, niêm mạc má, vòm miệng hoặc nướu răng, amidan, lợi hoặc môi.
- Chảy máu khi bị cào xước hoặc chà xát nhẹ, đặc biệt là khi ăn những thức ăn quá cứng.
- Đau nhức hoặc nóng rát khoang miệng.
- Cảm giác như ngậm bông trong miệng.
- Khô da, nứt nẻ khóe miệng.
- Mất vị giác, ăn không ngon, vị giác bị thay đổi, không còn cảm nhận được mùi vị.
Do hệ miễn dịch đã suy yếu, nấm miệng ở người bệnh ung thư rất dễ lan xuống thực quản. Nó gây ra đau họng, khó nuốt hoặc cảm giác thức ăn bị kẹt trong cổ họng.
Nếu không xử lý kịp thời, nấm miệng còn có thể lên tới các cơ quan khác trong cơ thể như: phổi, gan, tim. Những biến chứng trên các cơ quan này vô cùng nghiêm trọng và khó chữa lành.
Phòng ngừa nấm miệng như thế nào?
Những biện pháp sau có thể giúp bạn giảm nguy cơ phát triển nấm miệng:
- Súc miệng bằng nước hoặc đánh răng sau khi ăn hoặc dùng thuốc.
- Đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa hàng ngày.
- Không đeo răng giả khi đi ngủ. Đảm bảo răng giả vừa vặn và không gây kích ứng. Làm sạch răng giả hàng ngày.
- Khám răng thường xuyên, đặc biệt nếu bạn bị đái tháo đường hoặc đeo răng giả.
- Hạn chế ăn nhiều đồ ngọt vì có thể kích thích sự phát triển của nấm Candida.
- Duy trì kiểm soát lượng đường trong máu tốt nếu bạn bị đái tháo đường. Lượng đường trong máu được kiểm soát tốt có thể làm giảm lượng đường trong nước bọt.
- Dùng thuốc kháng nấm theo chỉ định của bác sĩ.
Nam giới bụng to, nhìn cho sang hay chỉ toàn tác hại?
Nam giới bụng to không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình của phái mạnh mà còn là “thủ phạm” của...
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không...
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn...
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.