Nấm móng chân và nấm móng tay, còn được gọi là nấm móng, là nhiễm nấm ở phần móng chân và móng tay. Đây là một bệnh nhiễm trùng xâm nhập vào các vết nứt trên móng hoặc vết cắt trên da, có thể làm cho móng thay đổi màu sắc hoặc dày hơn. Bệnh cũng có thể gây đau.

Các loại nấm và đôi khi nấm men ảnh hưởng đến các phần khác nhau của móng. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể lây lan sang móng chân khác, da hoặc thậm chí là móng tay.

Nếu bị mắc chứng suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng một số loại thuốc, tình trạng viêm do nấm có thể khó điều trị hơn. Tuy nhiên, theo tạp chí sức khỏe Prevention của Mỹ, không khó để ngăn ngừa nấm móng. Bạn chỉ cần chú ý một vài điều sau đây.

Đừng bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo

Nếu bạn thấy các đốm trắng hoặc vàng trên đầu móng tay hoặc móng chân, đó có thể là dấu hiệu của nhiễm nấm. Mặt dưới móng sẫm màu và ẩm nên nấm mốc phát triển rất tốt.

Nếu ban đầu chỉ ở dạng chấm, sau đó xuất hiện các vệt trắng, vàng, nâu, móng dày dần và đóng vảy thì gần như chắc chắn đã bị nhiễm nấm. Nếu bạn nhận thấy sự thay đổi về màu sắc hoặc kết cấu của móng, bạn không nên bỏ qua nó.

Giữ cho bàn tay và bàn chân khô ráo

Việc lau khô rất quan trọng khi tay và chân ướt, chẳng hạn như sau khi tắm. Đặc biệt là đối với những người thường xuyên mang vớ hoặc đeo găng tay cao su.

Mang găng tay hoặc vớ quá chật sẽ tạo môi trường cho nấm mốc phát triển mạnh nhờ hơi ẩm từ mồ hôi và môi trường tối. Vì vậy, hãy chú ý đến việc giặt giũ quần áo và giữ da sạch sẽ, và ít nhất hãy đảm bảo tay chân luôn khô ráo khi ngủ.

Giặt vớ bằng chất khử trùng

Để loại bỏ nấm mốc trên vớ hoặc vớ da, hãy đổ một cốc dung dịch khử trùng dạng lỏng vào nước cuối giặt vớ. Một cách khác là cho vớ vào dung dịch khử trùng trong vài phút trước khi giặt và sau đó giặt thật sạch.

Tạo môi trường axit

Nếu bạn bắt đầu nhìn thấy những đốm mà trước đây bạn chưa từng thấy trên móng tay hoặc móng chân, rất có thể bạn đang bắt đầu bị nhiễm nấm, vì vậy hãy sử dụng nước giấm trong trường hợp này. Pha giấm và nước theo tỷ lệ 1:5 rồi ngâm móng tay, móng chân. Vì nấm mốc không thể tồn tại trong môi trường axit nên nó giúp ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc.

Tăng cường hệ miễn dịch

Những người có khả năng miễn dịch kém dễ bị nhiễm nấm hơn. Để duy trì một hệ miễn dịch khỏe mạnh, bạn nên tăng cường các hoạt động thể chất, chẳng hạn như đi bộ và ngủ ít nhất 7 giờ mỗi ngày.

Nếu đã quá muộn để phòng ngừa

Nếu màu móng đã thay đổi và bề mặt trở nên thô ráp, đó là dấu hiệu bệnh đang xuất hiện, vì vậy cần điều trị theo các triệu chứng. Nếu nó khô, nứt và giòn, rất có thể đó là bệnh nhiễm nấm, nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu của nhiều loại bệnh, bao gồm bệnh tuyến giáp, viêm khớp và ung thư da.