Bệnh gan nhiễm mỡ là gì?

Bệnh không lây truyền từ người sang người hoặc di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác - Ảnh minh họa: Internet

Bệnh gan nhiễm mỡ (hay còn gọi là viêm gan nhiễm mỡ) là tình trạng gan có nhiều chất béo tích tụ (chiếm trên 5% trọng lượng lá gan) và bị viêm. Có nhiều lý do gây ra bệnh, nhưng trong trường hợp bệnh không gây ra do uống rượu thì bệnh có tên là NASH (bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu).

Nguyên nhân bệnh gan nhiễm mỡ 

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH) xảy ra khi các chất béo tích tụ trong các mô gan. Hiện nay các nguyên nhân gây ra bệnh gan nhiễm mỡ và NASH vẫn chưa thể xác định rõ ràng. 

Tuy nhiên, thông thường NASH xảy ra ở một số người như: người thừa cân, uống rượu bia nhiều, người mắc bệnh tiểu đường, những người có nồng độ cholesterol trong máu cao, nhiễm virus viêm gan hoặc chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hằng ngày không hợp lý.

Dấu hiệu bệnh gan nhiễm mỡ

Gan là cơ quan đóng vai trò quan trọng trong hệ thống bài tiết, chuyển hóa cũng như nội tiết của cơ thể - Ảnh minh họa: Internet

Hầu hết các bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ hay NASH không biết họ mắc bệnh bởi vì bệnh thường không có triệu chứng đặc hiệu. Khi lá gan bị tổn thương do nhiễm mỡ sẽ có thể có một số triệu chứng như sau:

  • Cơ thể mệt mỏi, chán ăn, ăn uống không ngon miệng.
  • Luôn có cảm giác buồn nôn, đầy bụng.
  • Rối loạn nội tiết ở phụ nữ, nam giới.
  • Vàng da, thiếu hụt vitamin.
  • Ngoài ra siêu âm còn thấy tăng kích thước gan, hay bệnh nhân cảm thấy đau bụng.

Bệnh gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không?

Gan nhiễm mỡ có 3 cấp độ: độ 1, độ 2 và độ 3.

Gan nhiễm mỡ căn bản là không có hại, nhưng việc kéo dài các triệu chứng viêm của gan có thể dẫn đến xơ gan và làm giảm chức năng của gan - Ảnh minh họa: Internet

Bệnh gan nhiễm mỡ độ 1

Gan nhiễm mỡ độ 1 là tình trạng lượng mỡ chiếm 5 - 10% tổng trọng lượng của gan. Đây được xem là giai đoạn nhẹ, lành tính, không nguy hiểm và cũng không có các biểu hiện gì. 

Người bệnh không vì vậy nếu chỉ khám lâm sàng sẽ rất khó để phát hiện ra. Cần làm các xét nghiệm và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nhất gan nhiễm mỡ ở giai đoạn đầu. Nếu được phát hiện và điều trị bệnh gan nhiễm mỡ ở giai đoạn này, tình trạng gan nhiễm mỡ sẽ hoàn toàn có thể khỏi.

Bệnh gan nhiễm mỡ độ 2

Gan nhiễm mỡ độ là giai đoạn thứ 2 của bệnh với lượng mỡ chiếm 10 - 25% trọng lượng của gan. Lúc này các mỡ đã lan rộng ra như mô gan, cơ hoành và giảm các đường bờ của các tĩnh mạch trong gan. 

Ở giai đoạn này, người bệnh bắt đầu có các biểu hiện rõ hơn như: chán ăn, ăn không ngon, khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn và cảm thấy mệt mỏi thường xuyên. Các triệu chứng này khá phổ thông nên rất nhiều người không để ý và bỏ qua, khiến bệnh càng có cơ hội phát triển và nặng thêm.

Các bác sĩ cho biết đây là giai đoạn tích tụ, nuôi bệnh và chưa có phương pháp để điều trị triệt để. Bởi vậy, cách tốt nhất để người bệnh gan nhiễm mỡ bảo vệ sức khỏe bản thân trong giai đoạn này là ăn uống theo chế độ khoa học, tăng cường thể dục thể thao tạo sự miễn dịch tốt cho gan. 

Đặc biệt không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia... Chủ quan ở giai đoạn này khiến bệnh gan nhiễm mỡ nhanh chóng chuyển biến xấu sang giai đoạn 3 nguy hiểm.

Bệnh gan nhiễm mỡ độ 3

Tỷ lệ mỡ trong gan lên đến hơn 30% tổng trọng lượng của gan là biểu hiện của bệnh gan nhiễm mỡ độ 3. Đây là giai đoạn cuối cùng và nguy hiểm nhất trong bệnh. 

Bệnh nhân khi đi xét nghiệm sẽ thấy rõ độ lây lan các nhu mỡ tại gan tăng lên nhanh chóng và rõ rệt. Cùng với đó là các biểu hiện đặc trưng của bệnh gan như: đau tức hạ sườn bên phải, vàng da, vàng mắt, u mạch nổi lên trên da, chán ăn, mệt mỏi, sút cân nhanh chóng...

Khi đã tiến triển đến giai đoạn này, bệnh rất khó điều trị và phục hồi, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Gan nhiễm mỡ độ 3 có thể dẫn đến các biến chứng về gan như: xơ gan, ung thư gan. Các biến chứng này thường không thể chữa trị được.

Bệnh gan nhiễm mỡ và cách điều trị

Giảm cân, thay đổi chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh là cách tốt nhất để điều trị gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, chúng ta có thể tiêm phòng viêm gan A, viêm gan B để bảo vệ gan khỏi các virus gây hại.

Giảm cân, thay đổi chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh là cách tốt nhất để điều trị gan nhiễm mỡ - Ảnh minh họa: Internet

Trường hợp tập thể dục và ăn kiêng không đủ để kiểm soát gan nhiễm mỡ. Bạn cần đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và tư vấn hướng điều trị thích hợp. 

Tùy vào mức độ bệnh của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc hoặc xây dựng kế hoạch ăn kiêng phù hợp cho mỗi cá nhân. Hiện nay chưa có loại thuốc điều trị gan nhiễm mỡ, tuy nhiên việc thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt có thể cải thiện tình trạng bệnh rõ rệt.

Để phát hiện bệnh gan nhiễm mỡ sớm nhất, chúng ta cần đi khám sức khỏe định kỳ thường xuyên, với các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm khám lâm sàng do các bác sĩ thực hiện sẽ giúp người bệnh phát hiện gan nhiễm mỡ ngay từ giai đoạn đầu tiên.

Bệnh gan nhiễm mỡ và cách ăn uống

Gan nhiễm mỡ là một căn bệnh rất khó chịu và thường do chế độ ăn uống gây ra. Vì vậy, để mau phục hồi sức khỏe và điều trị bệnh tốt hơn, bệnh nhân cần chú ý đến chế độ ăn uống của mình. Vậy người bị bệnh gan nhiễm mỡ nên ăn gì?

Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng nhất với bệnh nhân gan nhiễm mỡ - Ảnh minh họa: Internet

Bệnh nhân gan nhiễm mỡ cần có chế độ ăn uống riêng. Cần xây dựng một chế độ ăn có thể kiểm soát và ngăn ngừa gan nhiễm mỡ. Các thực phẩm người bệnh nên bổ sung như:

Các loại rau xanh, hoa quả tươi

Các thực phẩm hay món ăn chữa bệnh gan nhiễm mỡ làm từ các loại rau xanh và hoa quả tươi giúp mát gan, tăng cường chức năng gan. Đồng thời bổ sung chất xơ cho cơ thể. 

Các loại vitamin A và E có tác dụng tránh tích tụ thêm mỡ trong gan. Một số loại rau củ quả khuyên nên dùng như: cam, bưởi, rau cải, rau má, súp lơ, rau cần…

Nhộng tằm, cá tươi

Nghe có vẻ lạ nhưng nhộng tằm có tác dụng rất tốt trong việc giảm lượng cholesterol trong cơ thể. Rất hữu dụng cho người mắc bệnh gan nhiễm mỡ do béo phì.

Nhộng tằm có tác dụng rất tốt trong việc giảm lượng cholesterol - Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra cá tươi cũng rất được khuyến khích. Bởi cá chứa nhiều protein nhưng chất béo lại rất ít. Giảm gánh nặng cho gan mà vẫn cung cấp được đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Các loại thảo dược thiên nhiên

Atiso, trà xanh, lá sen có tác dụng trong việc giảm lượng mỡ trong gan. Thanh nhiệt, điều hòa cơ thể đồng thời chống tích tụ mỡ ở gan.

Người bị bệnh gan nhiễm mỡ kiêng ăn gì?

Mục đích của điều trị gan nhiễm mỡ là làm giảm hàm lượng mỡ trong gan. Vậy người bị gan nhiễm mỡ, đặc biệt là người bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 kiêng ăn gì để tránh tiến triển bệnh năng hơn?

Hạn chế chất béo, mỡ động vật

Mỡ động vật khi dung nạp vào cơ thể sẽ đi qua gan, bài tiết ra ngoài nhờ vào hệ thống enzym gan. Nếu sử dụng quá nhiều mỡ động vật sẽ gây gánh nặng cho gan. Gan không thể bài tiết mỡ, dẫn đến tích tụ gây nên tình trạng gan nhiễm mỡ. Vì vậy chúng ta nên thay mỡ động vật bằng các loại dầu có nguồn gốc từ thực vật.

Tránh ăn những thực phẩm giàu cholesterol

Nội tạng động vật, lòng đỏ trứng… chứa một lượng cholesterol cao. Giảm tiêu thụ các loại thực phẩm này giúp làm giảm lượng chất béo trong lá gan.

Không nên ăn quá nhiều thịt đỏ

Trong thịt đỏ chứa rất nhiều protein. Các thực phẩm này được chuyển hóa tại gan, làm tăng gánh nặng cho gan. Gan không chuyển hóa được gây tăng lượng mỡ tồn đọng khiến bệnh gan nhiễm mỡ trở nên nghiêm trọng hơn.

Kiêng ăn gia vị cay nóng

Các đồ ăn cay nóng sẽ làm suy giảm chức năng gan, khiến gan không thể bài tiết chất béo, làm chúng tồn đọng khiến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.

Tránh xa các chất kích thích như rượu, bia, đồ uống chứa cồn

Đây là nhóm thực phẩm cấm kỵ với người bị gan nhiễm mỡ. Uống rượu bia sẽ thúc đẩy quá trình chuyển từ gan nhiễm mỡ sang xơ gan thậm chí là ung thư gan. Việc đào thải mỡ cùng các chất độc hại từ rượu bia tạo gánh nặng rất lớn cho lá gan.

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của bệnh.

Người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát tình trạng bệnh của mình nếu bạn lưu ý vài điều sau:

  • Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe.
  • Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý uống thuốc khi không có chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa đã được kê.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường.
  • Hỏi bác sĩ về các loại thuốc có thể làm tổn thương gan, ví dụ như: acetaminophen (còn gọi là paracetamol) và một số thuốc dùng cho bệnh tiểu đường và bệnh cholesterol cao.
  • Giảm cân nếu bị béo phì.

Với mức độ phổ biến của bệnh gan nhiễm mỡ, việc điều trị bệnh gan nhiễm mỡ còn nhiều hạn chế và các thuốc điều trị chủ yếu chỉ giúp giảm tổn thương tế bào gan nhưng chưa thể ngăn chặn hoàn toàn quá trình gan nhiễm mỡ. Vì vậy thay đổi lối sống ngay từ bây giờ là cách tốt nhất để bảo vệ gan khỏi căn bệnh này.