Theo thông tin từ báo Lao Động, mới đây, sau khi ghi nhận một ca bệnh bạch hầu tử vong tại tỉnh Nghệ An, cơ quan chức năng đã khoanh vùng, xác định được 119 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh. Căn bệnh này có khả năng lây nhiễm qua đường hô hấp và có nguy cơ gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời nên dư luận đặc biệt quan tâm.

Thông tin về bệnh bạch hầu, BSCKII Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho biết, bệnh bạch hầu là một bệnh nguy hiểm, đặc biệt là đối với những người chưa tiêm chủng hoặc mất hiệu lực vắc xin, nguy cơ tử vong của căn bệnh này từ 10-20%.

Bên trong cổ họng và amidan người bệnh bạch hầu xuất hiện màng giả có màu trắng ngà - Ảnh: Sức khỏe Đời sống 

"Tỉ lệ tử vong do bệnh bạch hầu cao hơn COVID-19. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm của bệnh bạch hầu thấp hơn COVID-19. Bệnh bạch hầu có thể xuất hiện rải rác ở các địa phương nhưng không gây đại dịch như COVID-19 nên người dân có thể yên tâm, không cần quá lo lắng", bác sĩ Cấp thông tin thêm.

Dẫn tin từ báo Dân Trí, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dù thuộc nhóm B. Bệnh lây theo đường hô hấp theo hình thức giọt bắn, có thể lây trực tiếp do tiếp xúc với người bệnh khi nói, ho, hắt hơi… hoặc lây gián tiếp qua tiếp xúc với các dịch tiết chứa vi khuẩn từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng.

Người lành mang trùng là những người mang vi khuẩn bạch hầu nhưng không có triệu chứng bệnh, họ vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác.

Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh hàng đầu - Ảnh: TTXVN 

"Như vậy, nguồn lây có thể là người bệnh, người lành mang trùng nên nhiều khi chúng ta không biết bị lây từ nguồn nào. Điểm nguy hiểm nữa của bệnh là tỷ lệ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Những trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm độc, nhiễm trùng nặng, đặc biệt là gây các tổn thương viêm cơ tim, nguy cơ tử vong cao", PGS Phu nói.

Cũng theo PGS Phu, trước kia bệnh bạch hầu rất phổ biến ở cả thành phố, nông thôn, nhưng nhờ Chương trình Tiêm chủng mở rộng mà hiện nay số mắc giảm đi rất nhiều. Và sau nhiều năm không có ca bệnh, nhiều bác sĩ không biết bệnh nhân bạch hầu song vừa qua bệnh lại quay trở lại do một số vấn đề liên quan đến tiêm chủng.

Vậy tại sao bệnh hay xảy ra ở miền núi? PGS Phu cho biết, tại miền núi, chúng ta vẫn có những vùng gọi là "vùng trũng" tiêm chủng, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, vệ sinh kém. Người dân ở đó sống biệt lập, ít giao lưu nên không có miễn dịch tự nhiên do nhiễm phải cũng không có miễn dịch do tiêm chủng nên khi có dịch thường bùng phát ở miền núi, vùng sâu vùng xa.