Bé gái nguy kịch sau 2 ngày sốt, phải can thiệp ECMO
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận bé gái L.T.N.Y. (10 tuổi, ngụ Sóc Trăng) nhập viện trong tình trạng nguy kịch, lơ mơ, môi tái, chân tay mát.
Trước khi nhập viện 2 ngày, trẻ xuất hiện triệu chứng sốt nhẹ, mệt, nhức đầu và nôn ói. Tình trạng nặng dần lên khi trẻ mệt nhiều hơn, đau ngực, tay chân lạnh. Người nhà nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện địa phương cấp cứu trong tình trạng sốc, rối loạn nhịp tim.
Kết quả xét nghiệm tại đây cho thấy men tim troponin I tăng cao. Trẻ được đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp, truyền adrenaline, noradrenaline và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Thời điểm nhập viện, trẻ trong tình trạng lơ mơ, môi tái, chi mát, huyết áp khó đo, mạch quay khó bắt, nhịp tim không đều. Kết quả xét nghiệm cho thấy men tim troponin I và CK-MB tiếp tục tăng cao. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm cơ tim tối cấp, sốc tim, rối loạn nhịp tim.
Trẻ được hồi sức tim phổi liên tục, thở máy, dùng các thuốc vận mạch gồm adrenaline, noradrenaline, dobutamine, dopamine. Sau hội chẩn, ê-kíp ECMO tiến hành đặt cannula động mạch đùi và tĩnh mạch đùi, tiếp tục hồi sức tim phổi trong khi thực hiện thủ thuật đặt cannula mạch máu.
Bệnh nhi được điều trị tích cực với thuốc chống loạn nhịp, truyền máu, tiểu cầu, điều chỉnh điện giải, thăng bằng toan kiềm. Đồng thời, các bác sĩ chống đông hệ thống ECMO bằng heparin, sử dụng lợi tiểu để giảm tải thất trái và kháng sinh điều trị bội nhiễm phổi. Tuy nhiên, bệnh diễn tiến phức tạp, trẻ xuất hiện biến chứng suy đa cơ quan và phải kết hợp lọc máu liên tục.
Sau 8 ngày chạy ECMO, tim trẻ dần phục hồi, nhịp tim chuyển về nhịp xoang bình thường, huyết áp ổn định. Bệnh nhi được cai ECMO, rút cannula mạch máu và máy thở. Chức năng gan, thận trở về bình thường, trẻ đang được tiếp tục theo dõi và hỗ trợ điều trị.
Qua trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường có thể xuất hiện các trường hợp nhiễm siêu vi, dẫn đến biến chứng viêm cơ tim ở trẻ.
Các dấu hiệu cần chú ý gồm sốt nhẹ, người mệt mỏi, đau đầu, ói, đau bụng, sắc mặt xanh tái, tay chân lạnh, ngất xỉu, đau ngực. Khi phát hiện những dấu hiệu này, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa nhi để được thăm khám và xử trí kịp thời.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin về loại virus đang lây lan tại Trung Quốc
Chiều 5/1, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã thông tin về các trường hợp mắc bệnh do...
Bộ Y tế thông tin về loại virus đang lây ở Trung Quốc
Cục Y tế dự phòng sẽ tiếp tục bám sát diễn biến tình hình, thông tin đầy đủ chính xác...
Người thuộc nhóm 62 bệnh hiểm nghèo, nếu mắc bệnh khác, BHYT có thanh toán không?
Chỉ những bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo mà cơ sở khám chữa bệnh cấp dưới không triển khai điều trị...
Khả năng hồi phục của Nguyễn Xuân Son sau chấn thương ra sao? Có trở lại được đỉnh cao?
Sau khi thảo luận cùng các bác sĩ, lãnh đạo LĐBĐ Việt Nam và ban huấn luyện sẽ đưa ra...