Yan Ge, một hoạ sĩ 28 tuổi ở Trùng Khánh (Trung Quốc) đang lên kế hoạch kết hôn tại một ngôi nhà nhỏ ở quê nhà trong kỳ nghỉ Tết sắp tới, thay vì tổ chức đám cưới cổ tích tại một khách sạn sang trọng như kỳ vọng của bậc phụ huynh.
Yan chia sẻ với tờ Global Times rằng đám cưới của mình sẽ không có hoa tươi xa xỉ chỉ dùng được một lần, cũng không nhận tiền từ bạn bè và gia đình theo truyền thống. Thay vào đó họ sẽ trang trí địa điểm tổ chức bằng những tác phẩm tranh sơn dầu của anh, và quan trọng nhất là những sự sắp xếp này thỏa mãn ý tưởng của vợ chồng anh về một “đám cưới trong mơ”.
Đám cưới “tiết kiệm” của Yan có thể xuất phát từ phong cách cá nhân của anh ấy, nhưng nó cũng thể hiện một hiện tượng đang ngày càng gia tăng trong xã hội Trung Quốc.
Ngày càng có nhiều cặp vợ chồng trẻ Trung Quốc từ bỏ ý tưởng tổ chức đám cưới trang trọng và xa hoa. Theo một cuộc khảo sát mới đây do Trung tâm Khảo sát Xã hội Hàng ngày Thanh niên Trung Quốc thực hiện với sự tham gia của 1.251 thanh niên, 78,4% số người được hỏi ủng hộ việc tổ chức đám cưới tối giản.
Cách đây không lâu, chủ đề “giới trẻ Trung Quốc cách mạng hóa đám cưới” đã trở thành xu hướng trên mạng xã hội Weibo. Các địa điểm ăn uống bình dân như McDonald's hay Lẩu Haidilao trở thành lựa chọn làm địa điểm tổ chức đám cưới thay thế các khách sạn sang trọng.
Một số cặp vợ chồng trẻ thậm chí đã bắt đầu sử dụng các công cụ AI để lên kế hoạch cho đám cưới thay vì mất tiền thuê “wedding planner”. Công nghệ đang giúp cho việc tổ chức đám cưới trở nên linh hoạt hơn, mang tính cá nhân hơn và tiết kiệm chi phí hơn.
Những kế hoạch kết hôn này có thể bị nhiều người cho là khác thường nhưng chúng phản ánh thái độ của giới trẻ đối với hôn nhân thay đổi như thế nào trong xã hội Trung Quốc hiện đại.
Theo truyền thống, đám cưới được người Trung Quốc coi là “sự kiện trọng đại của cuộc đời”. Để phù hợp với tầm quan trọng của nó, các đám cưới truyền thống của Trung Quốc đề cao sự hoành tráng ở nhiều cấp độ như trang trí, địa điểm tổ chức tiệc sang trọng trang phục đắt tiền.
Chen Mengting, một chuyên gia tổ chức đám cưới chia sẻ với Global Times rằng một đám cưới cao cấp ở Trung Quốc có thể tiêu tốn hơn 100.000 - 300.000 NDT (~350 triệu - 1 tỷ VND), thậm chí còn cao hơn nữa ở các thành phố hạng nhất như Thượng Hải và Bắc Kinh.
Những đám cưới truyền thống ở Trung Quốc thực sự rất hào nhoáng nhưng dường như đã trở nên lỗi thời đối với xã hội đề cao bảo vệ môi trường và lối sống bền vững hiện nay. Các cặp vợ chồng trẻ đã bắt đầu sử dụng áo cưới và đồ trang trí làm từ vật liệu có thể phân hủy sinh học và tái chế.
Một cách khác để nhìn nhận điều này là thái độ thân thiện với môi trường mà các cô dâu và chú rể trẻ thể hiện trong đám cưới của họ có thể ảnh hưởng đến những người tham dự, góp phần thúc đẩy xã hội bền vững.
Vì vậy, “đám cưới nhỏ ở dưới quê” của Yan không chứng minh sự “nghèo nàn” hay “thấp kém” mà thay vào đó, nó mang tính hợp thời vì tư duy của họ luôn theo kịp những xu hướng xã hội mới nhất.
Ngoài lối sống thân thiện với môi trường đang nổi lên này, thái độ đối với hôn nhân mới của giới trẻ Trung Quốc còn là kết quả của việc phản ánh các phong tục hôn nhân truyền thống như tiền thách cưới quá cao. “Tiền thách cưới” là món quà bằng tiền hoặc vật chất nhà trai tặng cho nhà gái, nhiều bạn trẻ Trung Quốc đã bắt đầu có suy nghĩ khác về phong tục này.
Theo một cuộc khảo sát được công bố bởi Zhenai.com (nền tảng hẹn hò trực tuyến lớn nhất ở Trung Quốc), hơn 65% người tham gia cho biết họ chấp nhận lựa chọn “số tiền thách cưới bằng 0”.
Không chỉ những phong tục như “tiền thách cưới” được nhìn nhận một cách khác, những quan niệm như yêu cầu chú rể phải có xe, có nhà cũng thay đổi. Thái độ mới này giúp giảm áp lực lên chú rể trong việc phô trương sự giàu có để thể hiện tình yêu của mình.
Việc thay đổi quan niệm hôn nhân cũ không chỉ phản ánh sự thay đổi của xã hội mà còn có ý nghĩa sâu sắc hơn, khơi dậy ý thức bình đẳng nam nữ.