Trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 22/8, bác sĩ Dư Lê Thanh Xuân, khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn (ICU), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, mới đây bệnh viện tiếp nhận điều trị một trường hợp bị sốc nhiễm trùng nặng cùng hàng loạt các biến chứng phức tạp khác.

Khoa ICU, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Bệnh nhân là chị H.V. (29 tuổi, quê Bình Thuận). Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân có tiền sử sảy thai vào cuối năm 2022, sau đó phát hiện suy giáp. Cách đây không lâu, người phụ nữ rời quê vào TPHCM sinh sống bằng nghề buôn bán dạo.

Cuối tháng 7, chị V. đang bán thì trời đổ mưa bất ngờ nên người bị ướt sũng. Sau khi trở về nhà, bệnh nhân lên cơn sốt nhưng tự mua thuốc uống, hôm sau vẫn tiếp tục đi làm. Tuy nhiên đến trưa, người phụ nữ thấy đau một bên bụng dữ dội.

Thời điểm được chuyển vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, bệnh nhân đã trong tình trạng hôn mê, viêm phổi nặng, sốc nhiễm trùng và suy giáp. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục biến chứng suy thận.

Tiến hành xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Klebsiella pneumoniae. Đây là một trong những tác nhân gây viêm phổi hàng đầu trong cộng đồng.

Chị H.V. nhiễm vi khuẩn Klebsiella pneumoniae gây viêm phổi nặng, biến chứng sốc nhiễm trùng (Ảnh: Hoàng Lê).

Ekip điều trị phải tiến hành lọc máu, dùng kháng sinh, cho bệnh nhân thở máy kéo dài cùng hàng loạt các biện pháp phức tạp khác. Đến nay, bệnh nhân đã dừng lọc máu, cai máy thở, rút được ống dẫn lưu nhưng còn yếu cơ, tràn khí một bên phổi và thể trạng suy kiệt, phải nuôi ăn qua đường ống.

Phải điều trị bằng nhiều phương pháp, thời gian kéo dài nhiều tuần và không có bảo hiểm y tế, đến nay viện phí của bệnh nhân đã lên đến hơn 170 triệu đồng và vẫn tiếp tục tăng. Mới vào TPHCM thuê nhà trọ sinh sống, lại phải nuôi 2 con nhỏ, chồng bệnh nhân không có khả năng chi trả số tiền trên.

Bác sĩ Thanh Xuân chia sẻ, vi khuẩn Klebsiella pneumoniae có độc tính rất cao. Bệnh nhân nếu có sức đề kháng yếu sẽ dễ bị vi khuẩn xâm nhập, tấn công vào phổi, gây nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, hoại tử phổi.

Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể diễn tiến tử vong chỉ trong vòng một tuần kể từ khi phát bệnh. Ngoài tấn công phổi, Klebsiella pneumoniae cũng có thể gây nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm màng não…

Sau gần một tháng điều trị, bệnh nhân vẫn còn tràn khí màng phổi, viện phí đã tốn hơn 170 triệu đồng (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, khoa ICU của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã điều trị 5 trường hợp viêm phổi nặng do vi khuẩn Klebsiella pneumoniae. 4 trường hợp trước đều được cứu sống, nhưng bệnh nhân phải nằm viện nhiều ngày, với viện phí trung bình hàng chục triệu đồng.

Bác sĩ khuyến cáo, người dân cần chú ý chăm sóc sức khỏe để tăng cường sức đề kháng.

Khi có triệu chứng sốt cao, ho và khó thở kéo dài, nhất là đối tượng bị COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), hen, người cao tuổi, thể trạng ốm yếu, hút thuốc lá kéo dài… cần đến bệnh viện sớm để được kiểm tra, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.