Theo y học cổ truyền, đau dạ dày thuộc hội chứng vị quản thống, tâm hạ thống. Người bệnh có biểu hiện đau vùng thượng vị (ĐVTV), có khi đau lan sang bên hông sườn, ợ hơi, ợ chua... Bệnh phần nhiều do ăn uống không điều độ lạm dụng rượu bia, vị cay nóng, bổ béo, chua lạnh quá; do suy nghĩ, tức giận thái quá làm tổn thương công năng vận hóa của tỳ vị mà ngoại tà xâm nhiễm dẫn đến đau dạ dày.

Người bệnh cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống, bên cạnh đó sử dụng một số bài thuốc có tác dụng bổ điều hòa chức năng tỳ vị. Sau đây là một số phương thuốc theo đối chứng trị liệu có tác dụng, có thể tham khảo sử dụng:

ĐVTV có khi lan sang bên hông sườn, ấn vào đau tăng, có khi ợ hơi ợ chua: Nguyên nhân do can khí phạm vị. Phép trị chủ yếu kiện vị, hóa trệ, bình can, thông ứ. Dùng bài Tiêu giao gia giảm gồm: bạch truật 12g, phục linh 12g, bạch thược 16g, sài hồ 12g, chỉ xác 8g, cam thảo 4g, đại táo 3 quả, bán hạ 8g, đảng sâm 12g, sinh khương 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang, đợt uống 3-5 thang hoặc hơn. Tác dụng: sơ can, giải uất, kiện tỳ hóa trệ, dưỡng huyết. Bài này rất thích hợp với người bị chứng đau dạ dày, đau lan hông sườn, có khi người nóng lạnh, đau đầu chóng mặt.

Bán họ còn gọi là củ chóc.

ĐVTV đau lâm râm, chườm ấm dễ chịu: Nguyên nhân do tỳ vị hư hàn. Phép trị chủ yếu ôn bổ tỳ vị, khử hàn, chỉ thống. Dùng bài Lý trung hoàn gia giảm gồm: đảng sâm 12g, bạch truật 12g, can khương 10g, chích thảo 6g, hương phụ 12g, trần bì 12g, đại táo 3 quả. Sắc uống ngày 1 thang, đợt uống 5-7 ngày hoặc hơn. Có thể tán nhỏ làm hoàn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 12g. Tác dụng: ôn trung, khu hàn, bổ ích tỳ, vị... Bài này rất thích hợp chứng vị hàn đau dạ dày, đại tiện lỏng, đầy bụng, nôn mửa, tay chân lạnh.

ĐVTV kèm đại tiện táo, miệng hôi, miệng khô khát, dùng tay ấn vào bụng đau tăng: nguyên nhân do vị nhiệt. Phép trị là thanh vị nhiệt, lợi hạ... Dùng bài Thanh vị tán gia giảm gồm: sinh địa 20g, đơn bì 16g, đương quy 14g, hoàng liên 10g, thăng ma 12g, uất kim 12g, đại táo 3 quả, cam thảo 6g, nếu táo bón gia đại hoàng 6-8g. Tán bột mịn hoặc sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng: dưỡng âm, thanh vị, nhuận táo... Trị chứng đau dạ dày do vị nhiệt ứ thống. Bài này chữa vị nhiệt đau dạ dày, miệng lưỡi lở đau rất hiệu quả.

ĐVTV nếu nôn, hoặc đại tiện được thì bớt đau: Nguyên nhân do thương thực. Dùng bài Bảo hòa hoàn gia giảm gồm: bán hạ 8g, liên kiều 12g, phục linh 12g, trần bì 12g, hạt củ cải 14g, sơn tra 12g, thần khúc 12g, cam thảo 4g, mạch nha 12g, hương phụ 12g, bạch truật 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng; tiêu tích, hòa vị, thanh nhiệt lợi thấp. Bài này rất thích hợp chứng vị thương thực đau dạ dày, ăn vào đau tăng, vốn dùng rượu bia, đồ bổ béo khó tiêu.

ĐVTV cố định một chỗ, đau từng cơn như kim châm, dùi đâm, có khi đại tiện ra máu: Nguyên nhân do huyết ứ. Phép trị là hoạt huyết, tiêu ứ, trấn thống. Dùng bài Cách hạ trục ứ thang gia giảm gồm: đương quy 12g, xuyên khung 12g, đào nhân 12g, đơn bì 12g, xích thược 8g, ô dược 8g, huyền hồ 8g, cam thảo 6g, hương phụ 10g, chỉ xác 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Tác dụng: hành khí, chỉ thống, hoạt huyết, hóa ứ, rất thích hợp chứng đau dạ dày, đau tức ngực do huyết ứ.

Trên đây là những bài thuốc cổ phương gia giảm phòng trị đau dạ dày, bài thuốc đã sử dụng qua nhiều thế hệ thấy hiệu quả, hầu như không có tác dụng phụ, dễ sử dụng, dễ uống và có thể phối hợp cùng lúc uống cả thuốc Tây càng mau khỏi. Tuy nhiên, cần lựa chọn áp dụng phương thuốc phù hợp theo thể chứng. Ngoài ra, cần điều chỉnh ăn uống, tránh lo nghĩ, uất giận thái quá thì đau dạ dày ít có khả năng tái phát.