Bác sĩ sản khoa khuyến cáo: Thai nhi quá nặng cân - mối lo cho cả mẹ và bé
Chị T.H.O. 32 tuổi ở Bà Rịa - Vùng Tàu, cùng chồng đến Bệnh viện Từ Dũ ngày 26/11/2018 với lý do đã quá ngày dự sinh 2 tuần, sản phụ tăng 20kg so với trước khi mang thai.
Vợ chồng chị đến Bệnh viện Từ Dũ theo tư vấn của các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản tại tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu, để được điều trị bởi bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị, nhân lực cho một ca mổ có nhiều nguy cơ: thai quá ngày, con to và cao huyết áp, nguy cơ tiền sản giật.
Theo lời kể của gia đình chị H.O, cách đây 15 năm chị H.O. đã sinh thường một bé gái cũng nặng cân (4000gr). Thai lần này đã quá ngày dự sinh 2 tuần, sản phụ tăng 20kg so với trước khi mang thai, huyết áp cao 160/100mmHg.
Tiếp nhận điều trị, BS Hồ Hoa, phẫu thuật viên chính, đã tiên lượng ca mổ bắt con khó khi có nhiều nguy cơ băng huyết do thai rất to lại đa ối, thành bụng mẹ lại quá dày. Nói về cuộc mổ, BS Hồ Hoa chia sẻ : “Ngoài việc sẵn sàng để dự phòng băng huyết sau sinh, thì bác sĩ phụ mổ cũng cần được lựa chọn theo tiêu chí có… dư sức khỏe”.
Trước mổ, các bác sĩ tiên lượng thai 4700 – 4800gr, nhưng khi mổ lấy thai, mọi người đều bất ngờ trước một bé gái bụ bẫm nặng 5.100gr. Bé được chuyển sang đơn vị chăm sóc đặc biệt của khoa Sơ sinh để theo dõi tình trạng sức khỏe, vật lý trị liệu, phòng ngừa các rối loạn chuyển hóa bẩm sinh. Phần mẹ, sau phẫu thuật, tiếp tục được kíp mổ kiểm sóat chặt chẽ việc gò tử cung, huyết áp…
Theo các bác sĩ các trường hợp sinh con to an toàn như chị H.O là do được chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong lĩnh vực sản khoa, việc sản phụ có thai con to có liên quan đến trình trạng sức khỏe của mẹ và bé trong thai kỳ và sau khi sinh. Để có một thai kỳ an toàn và cuộc vượt cạn “mẹ tròn con vuông”, các mẹ bầu cần quan tâm đến khuyến cáo sau đây của các bác sĩ chuyên khoa Sản và Sơ sinh.
Theo TS.BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Sản N1- Bệnh viện Từ Dũ, khi sản phụ tăng cân nhiều và thai nhi to, cần lưu ý:
- Trước sinh cần khám thai định kỳ, theo dõi sát sức khỏe mẹ và bé. Theo dõi đường huyết, huyết áp, đo tim thai, các dấu hiệu như phù, tăng huyết áp, xét nghiệm nước tiểu. Cần tới bệnh viện ngay khi nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, tăng cân hơn 01kg/1 tuần.
- Chế độ dinh dưỡng: Ăn nhiều rau. Hạn chề ăn nhiều đường và tinh bột. Tập các vận động nhẹ nhàng.
- Tăng nguy cơ đột tử thai, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu phẫu, hậu sản.
- Nguy cơ về sau là đái tháo đường type 2, tăng huyết áp mạn tính.
- Cần khám chuyên khoa Tim mạch 3 tuần sau sinh và chuyên khoa Nội tiết 4 - 6 tuần sau sinh.
TS.BS Vũ Tề Đăng, Phó trưởng khoa Sơ sinh – Bệnh viện Từ Dũ cũng lưu ý các mẹ về những nguy cơ đối với các bé có cân nặng trên 4000gr khi sinh:
- Nguy cơ đột tử trong thai kỳ, sang chấn sản khoa lúc sinh.
- Nguy cơ đái tháo đường type 2, bệnh lý tim mạch.
- Không được chủ quan với bé khi thấy tình trạng sức khỏe sau sinh tốt.
- Cần theo dõi sát quá trình phát triển của trẻ về:
+ Bệnh lý phổi sau sinh, nguy cơ suy hô hấp.
+ Nguy cơ béo phì.
+ Rối loạn chuyển hóa sau sinh.
Khi nào thai phụ cần tiêm vaccine uốn ván?
Vợ tôi có thai được 5 tháng và chưa tiêm vaccine uốn ván. Vậy, bác sĩ cho tôi hỏi khi...
Mắc bệnh tiểu đường có được ăn đường không?
Trong điều trị bệnh tiểu đường, dinh dưỡng là phương pháp điều trị không dùng thuốc được áp dụng đầu...
Loại sán dễ mắc khi ăn các loại rau mọc dưới nước
Mẹ tôi rất thích ăn rau sống, gần đây lại có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, da sẩn ngứa....
Chồng ngủ ngáy to quá, tôi phải làm thế nào?
Thông thường, người ngủ ngáy to không biết là mình gây ồn ào làm phiền người bên cạnh.