Dưới đây là những chia sẻ của bác sĩ Phạm Chế Lăng, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Quốc tế City về phương pháp điều trị thoái hóa khớp háng.

Thoái hóa khớp háng là gì?

Thoái hóa khớp háng là bệnh thường gặp ở người cao tuổi (chiếm khoảng 50%). Bệnh gây ra các cơn đau, làm thay đổi cấu trúc khớp, khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt, công việc.

Thoái hóa khớp háng là bệnh thường gặp ở người cao tuổi, gây ra các cơn đau nhức, thậm chí mất khả năng vận động - Ảnh minh họa: Internet

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thoái hóa khớp háng, chủ yếu là quá trình lão hóa theo sự tăng dần của tuổi tác. Bên cạnh đó, những chấn thương vùng hông, mông, khớp đùi, háng,... nhưng không được điều trị dứt điểm và kiểm soát tích cực cũng là nguyên nhân gây ra căn bệnh này.

Ngoài ra, thoái hóa khớp háng còn có nguyên nhân từ bẩm sinh, biến chứng của một số bệnh mãn tính: Tiểu đường, gút, bệnh huyết sắc tố,...

Dù với bất kỳ nguyên nhân nào, nếu không được điều trị đúng cách, bệnh thoái hóa khớp háng sẽ dễ dẫn đến tàn phế, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Những chấn thương vùng hông khớp đùi,... không được điều trị dứt điểm cũng là nguyên nhân gây ra thoái hóa khớp háng - Ảnh minh họa: Internet

Theo Tiến sĩ bác sĩ Phạm Chế Lăng, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Quốc tế City, khớp háng được bọc trong một lớp sụn. Lớp sụn này còn tốt thì nó bảo vệ hai đầu xương, giảm bớt các chấn thương, chấn động khi chúng ta cử động, đi đứng. Khi lớp sụn này mòn dần sẽ làm hai đầu xương ma sát trực tiếp vào nhau, gây đau, giảm đi mức độ vận động của khớp nói chung và khớp háng nói riêng.

Ở mức độ nặng hơn, thoái hóa khớp háng sẽ làm bệnh nhân tàn phế, không thể đi đứng được bình thường. Do đó, chúng ta cần có ý thức bảo vệ sức khỏe hệ xương khớp cũng như khớp háng.

Hướng dẫn điều trị cho người bị thoái hóa khớp háng

Bác sĩ Phạm Chế Lăng cho biết: "Tùy vào từng giai đoạn của bệnh thoái hóa khớp háng mà có những dấu hiệu khác nhau.

Bệnh nhân mới bắt đầu bị sẽ có cảm giác đau mỏi ở vùng háng, đôi khi đau ở vùng mông, đùi, thậm chí ở đầu gối. Cơn đau thường xuất hiện khi bệnh nhân ngồi lâu rồi đứng dậy, đi một lúc sẽ bớt dần. Cơn đau cũng có thể xuất hiện về đêm khi bạn đang ngủ mà đột ngột ngồi dậy.

Khi bệnh diễn tiến mỗi ngày một nhiều, bạn sẽ thấy đau nhói thường xuyên hơn, kèm với triệu chứng mỏi chân, mỏi gối. Ở mức độ này, chỉ cần đi một đoạn đường xa, bạn sẽ đau rất nhiều, nếu ngồi sẽ giảm hẳn".

Một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy bạn có khả năng mắc bệnh thoái hóa khớp háng là ê mỏi vùng mông - Ảnh minh họa: Internet

Quá trình điều trị thoái hóa khớp háng cần rất nhiều thời gian và sự kiên nhẫn. Theo đó, khi có các dấu hiệu nghi ngờ, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị đúng đắn.

Theo bác sĩ Phạm Chế Lăng, tùy vào mức độ của bệnh thoái hóa khớp háng mà có cách điều trị khác nhau. Vào những giai đoạn sớm, tức là bệnh còn nhẹ, việc điều trị sẽ gắn liền với các phương pháp vật lý trị liệu: Chườm ấm, chiếu đèn hồng ngoại, thực hiện các động tác theo hướng dẫn của bác sĩ, luyện tập thể thao,... và thay đổi lối sống, ăn uống khoa học để tăng cường sức khỏe.

Tập vật lý trị liệu là một trong những phương pháp hữu hiệu giúp bệnh nhân thoái hóa khớp háng cải thiện sức khỏe - Ảnh minh họa: Internet

Ở giai đoạn nặng hơn, kết hợp với tập vật lý trị liệu, bác sĩ sẽ kê thuốc giảm đau, không chứa steroid, corticoid hay các thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm. Tuy nhiên, thuốc giảm đau kháng viêm khi dùng lâu dài sẽ gây ra tác dụng phụ: Loét dạ dày, hại gan, ... Do đó, không nên lạm dụng chúng.

Trong trường hợp xương khớp đã tổn thương quá nặng, mất khả năng vận động và không thể phục hồi, bệnh nhân sẽ được chỉ định thay khớp háng.

Tuyệt đối, không nên tự ý mua thuốc giảm đau và uống không có sự hướng dẫn để tránh những tác hại xấu đến gan, thận, dạ dày và các cơ quan khác trong cơ thể.