Bà bầu có nên ngồi xổm nhiều không?

BS CK I. Nguyễn Thị Kim Nga, Trưởng Khoa Sản Bệnh viện Quốc Tế Hoàn Mỹ Đồng Nai, cho biết trong thời kỳ mang thai, bà bầu không nên ngồi xổm kể cả khi đi vệ sinh.

Theo đó, phần thân dưới và cột sống chịu trách nhiệm nâng đỡ toàn bộ cơ thể bà bầu. Khi thai lớn hơn, áp lực về trọng lượng lên cơ thể bà bầu càng tăng. Bà bầu ngồi xổm sẽ làm cho phần thân dưới và cột sống bị kéo căng hơn, gây đau và khó chịu.

Bà bầu không nên ngồi xổm nhiều trong thai kỳ kể cả đi vệ sinh - Ảnh minh họa: Internet

Bên cạnh đó, tư thế ngồi xổm làm cho các mạch máu ở hai chân bà bầu bị ùn tắc, không lưu thông tốt gây ứ trệ tuần hoàn dẫn đến phù nề, dãn tĩnh mạch 2 chân. Khi thai lớn hơn, tư thế ngồi xổm sẽ khiến tử cung và các phần thai đè lên bàng quang gia tăng áp lực gây đau.

Ngoài tư thế ngồi xổm, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Nga còn khuyến cáo bà bầu không nên ngồi ở tư thế bắt chéo chân. Khi ngồi, không nên gác cao chân mà hãy để bàn chân thoải mái trên sàn nhà.

Bà bầu cũng không nên ngồi ở tư thế bắt chéo chân - Ảnh minh họa: Internet

Bà bầu cũng không nên ngồi quá lâu (hơn 30 phút). Chị em nên thường xuyên đứng lên, đi lại để thay đổi tư thế, giảm sức ì của cơ thể trong thời kỳ mang thai. Khi đứng lên, bà bầu chú ý từ từ nhích mông hướng về phía trước, thẳng chân rồi đứng lên. Tuyệt đối không nên chồm người về phía trước để đứng lên.  

Những lưu ý giúp bà bầu ngồi đúng tư thế

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Nga lưu ý bà bầu nên chú ý các tư thế ngồi đúng trong thời kỳ mang thai. Khi làm việc tại văn phòng, bà bầu nên ngồi sâu vào trong ghế, mông chạm vào lưng ghế để lưng có điểm tựa. Chú ý luôn ngồi thẳng lưng, vai hơi đẩy ra sau, không nên chùng lưng.

Để tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu khi làm việc, bà bầu có thể sử dụng một chiếc gối mỏng để tựa lưng. Bạn cũng có thể sử dụng chiếc khăn bông mềm cuộn lại để tạo cảm giác mềm mại.

Bà bầu nên ngồi thẳng, lưng tựa vào ghế - Ảnh minh họa: Internet

Chiều cao của ghế cũng ảnh hưởng quan trọng đến tư thế ngồi của bà bầu. Do đó, bà bầu cần chọn chiếc ghế phù hợp với chiều cao của bàn làm việc. Phần cánh tay và khuỷu tay đặt thoải mái trên bàn.

Khi sử dụng ghế xoay tại các nơi làm việc, bà bầu hãy đảm bảo việc xoay toàn bộ cơ thể khi di chuyển thay vì chỉ vặn người tại khu vực thắt lưng.

Bà bầu nên đi lại thường xuyên, hạn chế việc ngồi quá lâu tại bàn làm việc - Ảnh minh họa: Internet

Khoảng thời gian 8 giờ đồng hồ làm việc tại văn phòng có thể khiến lưng bà bầu bị nhức mỏi. Hay tập các động tác yoga hoặc những bài tập trải dài lưng giúp kéo dãn xương sống, hạn chế tình trạng đau lưng, đau cột sống.

Trường hợp bà bầu bị đau lưng trong thời kỳ mang thai, hãy đi lại nhẹ nhàng sau mỗi 10 phút làm việc.