Theo TS Nguyễn Việt Hà – Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi trung ương, vấn đề tiêu hóa ở trẻ luôn được các bậc phụ huynh quan tâm. Nhiều bà mẹ bế con tới tìm bác sĩ than thở về tình trạng con của họ biếng ăn, hay nôn trớ. Ở trẻ nhỏ, các vấn đề tiêu hóa hay gặp phải như:

Nôn trớ, thường xảy ra từ 12 - 18 tháng đầu vì đường tiêu hóa của trẻ nhỏ khi đó chưa hoàn toàn trưởng thành, đặc biệt khi dinh dưỡng không phù hợp, một lượng thức ăn quá nhiều, khó tiêu hóa hoặc lựa chọn thực phẩm chưa phù hợp với em bé, sẽ khiến em bé dễ bị nôn trớ.

Tiêu chảy, do em bé không thể dung nạp hết lượng thức ăn, hoặc em bé bị dị ứng với những thực phẩm do ăn hoặc có thể do cách chăm sóc ăn uống, vệ sinh của những bậc cha mẹ chưa tốt. Những em bé trong 3 năm đầu cuộc đời, khi sức đề kháng chưa tốt, rất có nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn. Và khi chúng ta cho em bé sử dụng các thuốc chữa bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là kháng sinh, cũng làm gia tăng nguy cơ gây ra những bệnh rối loạn tiêu hóa ở trẻ, làm em bé dễ bị nôn trớ.

Táo bón, thường vấn đề này liên quan nhiều tới việc khẩu phần ăn của các em bé chưa cân đối, 1 chế độ ăn quá ít chất xơ, quá tinh, quá nhiều chất đạm, hoặc các bậc cha mẹ chưa rèn được cho các con hành vi đi đại tiện phù hợp...

Ảnh minh họa: Internet

Ngoài ra các bệnh lý rối loạn tiêu hóa khác gồm có tiêu chảy do nhiễm khuẩn, đau dạ dày do viêm đại tá tràng hoặc các bệnh lý lây từ người lớn có thể gây ra triệu chứng tiêu chảy, nôn trớ mà chúng ta gọi chung là rối loạn tiêu hóa ở trẻ nhỏ.

Theo TS Hà, chăm sóc cho trẻ một hệ tiêu hóa khỏe mạnh là điều vô cùng cần thiết nhưng không phải ai cũng biết.

TS Hà cho rằng khi mới được sinh ra, những em bé sinh bằng hình thức sinh thường, sinh đủ tháng thì bao giờ cũng có 1 đường tiêu hóa có cấu trúc tốt hơn so với những em bé sinh non tháng hoặc sinh bằng hình thức sinh mổ. Bởi vì cách thức người mẹ sinh con ra như thế nào sẽ thiết lập hệ vi sinh đường ruột cho em bé.

Kế tiếp là nuôi dưỡng hợp lý. Sữa mẹ là 1 nguồn thực phẩm làm cho đường tiêu hóa dễ chịu nhất vì chất đạm dễ tiêu hóa, chất đường, chất béo dễ tiêu hóa và có những chất kháng khuẩn và các enzyme giúp việc tiêu hóa tốt hơn.

Bên cạnh đó, em bé phải được ăn bổ sung đúng thời điểm, vì ngoài việc cung cấp các chất dinh dưỡng thì việc này còn cung cấp các vi lượng, giúp cho sự trưởng thành, đổi mới của đường tiêu hóa được tốt hơn.

Và một vấn đề quan trọng là làm thế nào để em bé ít bị bệnh, ít phải dùng thuốc, ít bị phơi nhiễm với các tác nhân gây bệnh. Khi bé bị bệnh rồi thì cần phải có sự điều trị hợp lý như đơn thuốc từ các bác sĩ chuyên khoa, sự chăm sóc đúng khoa học cũng như dinh dưỡng hợp lý trong suốt thời gian bé bị bệnh, sau giai đoạn bị bệnh...

TS Hà nhấn mạnh: "Muốn bảo vệ hệ tiêu hóa của trẻ em thì chúng ta phải tạo được một chế độ ăn phù hợp, hạn chế việc sử dụng thuốc. Đó là cách thức tốt nhất, tự nhiên nhất mà các bậc cha mẹ có thể thực hiện để tăng cường hệ miễn dịch cho các em bé".