Bà nghĩ nêm mắm muối giúp cháu ăn ngon, chắc khỏe hơn?

Ăn dặm là thời kỳ chuyển từ chế độ ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ sang chế độ có thức ăn đặc như bột, cháo, cơm, rau củ... Thời điểm tốt nhất cho trẻ ăn dặm thường là khi tròn 6 tháng tuổi. 

Khi tập ăn dặm cho trẻ, cha mẹ cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng cần thiết như tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Nhóm dưỡng chất này có nhiều ở các thực phẩm như gạo, ngô, trứng sữa, cá, lạc, vừng, mỡ động vật các loại rau củ quả tươi… Tuy nhiên lúc mới tập ăn, cha mẹ chỉ nên cho trẻ ăn từng loại thực phẩm riêng biệt và gần giống với sữa trẻ ăn thường ngày nhất. 

Khi trẻ 6 tháng tuổi, cha mẹ nên tập cho ăn dặm từ từ, thức ăn nên từ lỏng đến đặc. Ảnh minh họa.

 

Điều đặc biệt, các món ăn dặm của trẻ thì không nên nêm bất cứ gia vị nào, kể cả muối và nước mắm. Theo Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế, trẻ từ 0-11 tháng chỉ nên tiêu thụ 100 mg muối/ngày. Tuy nhiên, lượng muối này đã có sẵn trong thực phẩm, các loại sữa và sữa mẹ nên không cần bổ sung thêm.

Mới đây, bác sĩ Nguyễn Thanh Sang đã chia sẻ trường hợp bé gái 9 tháng tuổi phải đi khám vì sổ mũi nhiều ngày không khỏi. Là người trực tiếp khám bệnh cho bé gái, nên ngoài thăm khám căn bệnh trẻ đang mắc, bác sĩ Sang hỏi thêm về tình hình ăn uống, chăm sóc trẻ ở nhà.

Với trường hợp bé gái này, bác sĩ Sang được người mẹ cho biết, vì bé gái ở tháng thứ 9 chưa vững đầu nên mỗi khi nấu cháo cho cháu, bà ngoại bé đã nêm khoảng ¼ muỗng cà phê muối và nước mắm vào. Vì bà cho rằng, trẻ ăn muối sẽ giúp ngon miệng hơn và giúp “chắc” người hơn.

Bác sĩ Sang khuyến cáo, trẻ dưới 2 tuổi thận còn non nớt nên khả năng đào thải muối kém, vì vậy khi cho trẻ ăn cháo, ăn dặm không nên nêm gia vị. Việc nêm mắm muối vào nồi cháo của trẻ cho ngon chỉ là suy nghĩ của người lớn. Còn với trẻ nhỏ thì không cần. “Từ khi sinh ra, trẻ đã bú sữa mẹ rồi. Sữa mẹ là loại sữa vị thanh hoặc ngọt rất nhẹ mà bé vẫn bú bình thường và phát triển bình thường, chứng tỏ trẻ đã quen với sữa mẹ”, bác sĩ Sang giải thích.

Lượng muối có sẵn trong thực phẩm đã đủ nên không cần phải nêm thêm. Ảnh minh họa.

Trẻ ăn dư muối dễ tổn thương thận, trào ngược và nôn ói

Theo bác sĩ Sang, khi bước vào giai đoạn ăn dặm, trong rau củ quả, thịt cá… đã chứa đủ hàm lượng vi chất cho trẻ. Vì vậy, với trẻ dưới 1 tuổi chỉ nên nấu rau củ thịt cá để bé cảm nhận được mùi vị thức ăn, vị ngọt tự nhiên của rau củ. “Việc ông bà, cha mẹ thêm gia vị, muối mắm vào đồ ăn dặm của trẻ là không đúng, dễ khiến trẻ bị tổn thương thận, cao huyết áp, trào ngược hay ọc sau khi ăn”, bác sĩ Sang khuyến cáo. 

Các bác sĩ tại Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng cho rằng, việc thêm muối vào đồ ăn của trẻ dưới 1 tuổi tiềm ẩn nhiều nguy cơ với thận của bé, do chức năng thận của trẻ ở độ tuổi này rất non nớt. Các bác sĩ dẫn chứng, 1 chén cháo thịt bí đỏ 100ml cung cấp cho trẻ  5.55mg natri, chưa kể lượng natri có trong sữa mẹ hoặc sữa công thức. Việc cha mẹ nêm nếm quá nhiều muối có thể tạo thói quen ăn nhiều muối cho trẻ khi lớn lên, ảnh hưởng đến chức năng thận và gây nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, tim mạch trong tương lai. 

Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cho thấy trẻ ăn nhiều muối ở thời gian này có thể dễ làm tổn thương não bộ. Chính vì thế, khi chế biến thức ăn dặm cho trẻ dưới 1 tuổi, cha mẹ không nên cho muối. Thực tế, trong một số thực phẩm hằng ngày như sữa, trứng, thịt, rau tươi,... đều đã cung cấp đủ natri cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi.

Theo các bác sĩ, trẻ ăn dư muối không tốt cho thận, trí não. Ảnh minh họa.

Có thể thay mắm muối bằng miếng phô mai vào thức ăn của trẻ dưới 1 tuổi

- Khi mẹ nếm đồ ăn dặm của trẻ thấy vừa miệng của mình có nghĩa là sẽ mặn hơn so với trẻ. Vì vậy, khi nêm nếm thức ăn dặm thấy nhạt là vừa cho trẻ.

- Có thể cho phô mai vào thức ăn dặm của trẻ thay cho nước mắm hoặc muối. Tuy nhiên, nên cho phô mai vào sau khi cho dầu ăn, như vậy, đồ ăn của trẻ cũng sẽ thơm, ngon, béo và không quá nhạt.