Ăn rau muống có tác dụng gì đối với sức khỏe? Ai không nên ăn nhiều rau muống
Chỉ với 5.000đ chúng ta sẽ có một đĩa rau muống luộc thơm ngon, nhưng ăn rau muống có tác dụng gì cho sức khỏe, chúng bổ dưỡng ra sao là câu hỏi luôn được nhiều người đặt ra. Thêm nữa, trong rau muống chứa nhiều thành phần mà không phải ai cũng nên ăn thường xuyên. Hãy cùng tìm hiểu tất tần tật về loại rau dinh dưỡng này qua bài viết dưới đây.
1. Giá trị dinh dưỡng của rau muống, ăn rau muống có lợi gì?
Trong 100g rau muống tươi có chứa:
- Lipid 0,2g
- Natri 113mg
- Cholesterol 0mg
- Kali 312mg
- Cacbohidrat 3,1g
- Chất xơ 2,1g
- Protein 2,6g
- Vitamin A 6.300 IU
- Vitamin C 55mg
- Canxi 77mg
- Sắt 1,7 mg
- Vitamin D 0 IU
- Vitamin B6 0,1 mg
- Vitamin B12 0 µg
- Magie 71 mg
2. Rau muống bao nhiêu calo?
Tùy theo từng cách chế biến và số lượng rau nạp vào cơ thể mà lượng calo do loại rau này cung cấp cũng sẽ khác nhau. Theo phân tích của các chuyên gia nghiên cứu thì trong 100g rau muống chưa qua nấu nướng sẽ chứa khoảng 18 calo. Đây là con số không nhiều và nó hoàn toàn tốt cho cơ thể.
Với món rau muống xào tỏi cần qua nhiều bước chế biến và nêm nếm gia vị, dầu ăn nên lượng calo sẽ tăng lên đáng kể. 100g rau muống qua chế biến thành món rau muống xào tỏi sẽ lên con số khoảng 30 đến 35 calo. Trong một đĩa rau muống xào tỏi 300g sẽ chứa tầm 90 đến 105 calo.
Trong các tài liệu Đông y, rau muống vị ngọt nhạt, tính mát, đem lại công dụng giải độc, thông đại tiểu tiện, chữa tình trạng táo bón, đái rắt. Người ta thường dùng rau muống để phòng và chữa một số loại bệnh thường gặp như thiếu máu, huyết áp cao, loãng xương, bổ sung dưỡng chất cho phụ nữ mang thai, giảm nguy cơ táo bón,...
Theo trang The Star, cứ 100g rau muống sẽ chứa trong nó: 90% nước, 3g chất xơ, 3g protein, vitamin E, vitamin C, chất béo, các khoáng chất như sắt, kẽm, magie. Loại rau tuy có giá bình dân này lại đem đến nhiều lợi ích với sức khỏe, tốt cho tim mạch, ngăn ngừa nguy cơ tiểu đường, điều trị thiếu máu hay hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch là những lợi ích của rau muống có thể bạn chưa biết.
3. 10 lợi ích mà rau muống mang lại cho sức khỏe
+ Cải thiện tình trạng thiếu máu
Sắt là khoáng chất không thể thiếu đối với cơ thể, đặc biệt là các tế bào máu đỏ đóng vai trò hết sức quan trọng để duy trì sự sống. Vì vậy, hàm lượng sắt cao trong lá rau muống sẽ rất có lợi cho những ai thường xuyên bị thiếu máu cũng như phụ nữ đang trong thời gian mang thai.
+ Giảm cholesterol xấu
Rau muống là lựa chọn thích hợp cho những ai muốn giảm cân an toàn và hiệu quả. Một nghiên cứu được tiến hành trên chuột đã cho thấy rằng rau muống còn giúp hạn chế các triglycoside (chỉ số mỡ máu).
+ Điều trị chứng khó tiêu và táo bón
Rau muống giàu chất xơ nên giúp hỗ trợ và điều trị các chứng rối loạn tiêu hóa tự nhiên rất tốt. Đặc tính nhuận tràng của loại rau này đem đến nhiều lợi ích cho những người mắc chứng khó tiêu và táo bón. Thậm chí, chỉ riêng nước luộc rau cũng có thể chữa các loại bệnh này. Ngoài ra, rau muống còn được chỉ định sử dụng để điều trị nhiễm giun đường ruột rất hiệu quả.
+ Điều trị vàng da và các vấn đề về gan
Theo tờ Medical Health Guide, y học cổ truyền Ấn Độ sử dụng rau muống để điều trị chứng vàng da và các vấn đề về gan. Một nghiên cứu đã chứng minh rằng ăn rau này thường xuyên sẽ giúp chống lại các hóa chất gây hại và làm chậm quá trình oxy hóa nhờ enzym giải độc, đồng thời loại bỏ các gốc tự do ra khỏi cơ thể.
+ Bảo vệ tim
Có rất nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin A, C và beta-carotene có trong rau muống. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp làm giảm các gốc tự do, chống oxy hóa và cholesterol xấu.
Bên cạnh đó, folate có mặt trong rau muống còn giúp chuyển đổi các homocysteine, một loại hóa chất khi ở mức độ cao có thể gây đau tim, đột quỵ. Khoáng chất magie góp mặt trong rau muống giúp giảm huyết áp và phòng ngừa bệnh tim.
+ Ngăn ngừa bệnh tiểu đường
Việc ăn rau muống thường xuyên được các chuyên ra cho rằng sẽ giúp kích thích phát triển của các chất đề kháng chống lại bệnh tiểu đường. Đồng thời, nó cũng được sử dụng để điều trị bệnh đái tháo đường ở phụ nữ đang mang thai.
+ Ngăn ngừa ung thư
Trong rau muống chứa đến 13 loại hợp chất chống oxy hóa khác nhau, thích hợp để phòng ngừa ung thư (dạ dày, trực tràng, vú, da). Các chất này có tác dụng giúp cơ thể loại bỏ các gốc tự do, thay đổi điều kiện sinh sôi của các tế bào ung thư và giúp cải thiện môi trường tế bào tự nhiên.
+ Có lợi cho mắt
Có rất nhiều carotenoid, vitamin A và lutein trong rau muống, những dưỡng chất cần thiết này sẽ giúp bảo vệ đôi mắt. Nó cũng làm tăng nồng độ glutathione, một loại hợp chất đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các dấu hiệu của đục thủy tinh thể.
+ Tăng cường miễn dịch
Ăn rau muống thường xuyên sẽ giúp nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể, thúc đẩy hệ xương và răng phát triển, góp phần tăng cường sức khỏe bằng cách trung hòa và loại bỏ độc tố.
+ Làm trẻ hóa làn da
Việc thường xuyên uống nước ép rau muống rất có lợi cho sức khỏe của làn da vì chúng giữ cho da luôn trẻ hóa bằng cách loại bỏ các độc tố có hại ra khỏi cơ thể. Nước ép rau muống cũng giúp chữa lành các rối loạn về da như mụn nhọt và mụn trứng cá.
+ Lợi ích sức khỏe khác
Ngoài những lợi ích nêu trên, việc bổ sung vào thực đơn các món ăn chứa rau muống còn giúp hỗ trợ điều trị đau răng, đau bụng kinh, chảy máu mũi,… Nó cũng là loại thuốc an thần cho những người thường xuyên khó ngủ, mất ngủ, thúc đẩy nôn trong trường hợp bị ngộ độc. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng thấm nước ép rau muống vào miếng gạc lạnh để hạ sốt.
3. Thường xuyên ăn rau muống có tốt không?
Đương nhiên là cái gì dù tốt đến mấy mà ăn quá nhiều đều không tốt. Việc ăn quá nhiều rau muống trong một thời gian dài, ăn thường xuyên, ăn thay thế những món ăn khác sẽ gây dư thừa dưỡng chất, chướng bụng, khó tiêu.
Ngoài ra, môi trường trồng loại rau này thường là nơi ao hồ nên rau muống dễ nhiễm nhiều loại ký sinh trùng. Ăn rau muống tươi sống chưa qua chế biến có thể dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh đường ruột như giun, sán lá gan.
Ký sinh trùng Fasciolopsis buski còn có thể xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ bám vào ruột, chui qua thành ruột và vào máu, từ đó làm cơ thể xuất hiện các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, dị ứng. Vì thế, quá trình sơ chế rau muống nên lưu ý cần rửa sạch, ngâm muối và tốt nhất là nấu chín.
Bạn cũng có thể tự tay trồng cho mình một vườn rau muống để bổ sung vào bữa cơm hằng ngày. Trồng rau muống không khó, bạn có thể tận dụng các chậu cây trong nhà, mua thêm giá thể và hạt giống. Khi trồng nhớ chọn nơi có ánh sáng và tưới nước thường xuyên để rau phát triển xanh tốt.
4. Những ai không nên ăn nhiều rau muống?
Các món ăn từ rau muống tuy rất giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe, nhưng không đồng nghĩa với việc là chúng sẽ tốt cho tất cả mọi người. Dưới đây là những nhóm người nên hạn chế dùng rau muống trong khẩu phần ăn.
+ Người đang có vết thương hở
Với những ai không may đang chịu đau đớn bởi các vết thương trên da thì không nên ăn rau muống bởi chúng sẽ kích thích sinh tế bào gây sẹo, làm xấu da. Thậm chí, sẽ khiến cho chỗ da non mới hình thành bị ngứa nhiều hơn. Vì thế, bạn chỉ nên thưởng thức loại rau này sau khi vết thương đã khỏe hẳn, da đã lành lại.
+ Người mắc bệnh viêm khớp
Nếu bạn đang đau nhức xương khớp thì nên loại bỏ rau muống trong bữa cơm hàng ngày. Những dưỡng chất có mặt trong loại rau này có thể khiến cơn đau nhức trở nên trầm trọng hơn, người mắc bệnh càng cảm thấy khó chịu, mệt mỏi.
+ Người mắc bệnh gout, sỏi thận
Những người mắc chứng gout, sỏi thận, viêm nhiễm đường tiết niệu, người huyết áp cao cũng không nên ăn rau muống. Vì thế, khi nhận thấy có những biểu hiện khác thường của cơ thể sau khi ăn rau muống, bạn cần ngưng lại ngay.
+ Người hệ tiêu hóa yếu
Loại ký sinh trùng sán lá tên Fasciolopsis buski rất dễ bắt gặp trong rau muống, chúng có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể nếu bạn ăn rau sống hoặc nấu rau chưa chín. Với những người có hệ tiêu hóa hoạt động yếu kém, loại ký sinh trùng này có thể gây ra các triệu chứng khó tiêu, dị ứng, đau bụng.
+ Người đang uống thuốc
Nếu bạn đang phải điều trị một bệnh lý nào đó hoặc đang bồi bổ cơ thể bằng các loại thuốc Đông y thì không nên ăn rau muống. Các chất dinh dưỡng trong loại thực phẩm này có thể làm mất tác dụng, hiệu quả của thuốc khiến bệnh tình lâu khỏi hơn.
5. Ăn rau muống có giúp giảm cân không?
Rau muống được nhiều người ưa chuộng vì chúng được trồng rất dễ dàng tại Việt Nam, giá thành rẻ nhưng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ ăn và ngon miệng.
Trong 100g rau muống chứa gần 25 calo với 90% thành phần là nước, hàm lượng chất xơ và canxi cao. Rau muống chính là một trong những loại rau hiếm hoi chứa đạm và canxi cao. Do đó, loại rau này rất thích hợp cho các thực đơn giảm cân khi chứa nhiều nhóm chất cơ bản cần thiết, ăn no lâu, ít calo và dễ tiêu.
Ngoài tác dụng hỗ trợ giảm cân, rau muống có tính lạnh, có thể được dùng để hỗ trợ thanh nhiệt và giải độc rất tốt. Các món ăn từ rau muống được dùng giải nhiệt cho mùa hè, thậm chí là để hạ sốt, giải cảm hiệu quả.
6. Cách chế biến các món ăn từ rau muống giúp giảm cân hiệu quả
Tương tự như cải xoong, rau muống đa phần phát triển trong môi trường nước, vì thế chúng ta cần phải đảm bảo rửa rau thật sạch bằng nước rồi ngâm trong nước muối khoảng nửa giờ để loại bỏ trứng giun sán.
Rau muống có vị ngọt nhẹ và kết cấu hơi nhầy. Rau muống luộc sấu, salad rau muống hay rau muống xào tỏi đều trở nên hấp dẫn trong những ngày nắng nóng.
+ Rau muống luộc
Chuẩn bị nguyên liệu
- 1 mớ rau muống
- 5 quả sấu
Sơ chế nguyên liệu
- Lặt rau, chọn lá non, nhặt bỏ lá úa và lá già.
- Rửa rau nhiều lần với nước sạch
- Vớt rau lên để cho khô ráo.
Cách thực hiện
- Hãy chuẩn bị 1 nồi nước đun sôi. Khi nước sôi 2 phút, bắt đầu thả rau vào và thêm ½ thìa muối để giúp rau thêm xanh.
- Trộn đều để rau ngập nước, như vậy sẽ xanh và ngon hơn.
- Luộc đến khi nước sôi lại thêm 5 phút rồi vớt ra dĩa và thưởng thức.
+ Nộm rau muống
Chuẩn bị nguyên liệu
- Rau muống: 1 bó
- Rau kinh giới: 1 bó
- Lạc: rang, giã dập hoặc giã nhỏ
- Chanh, tỏi, ớt
- Đường, nước mắm
Nộm rau muống
Các bước sơ chế
- Rau muống sau khi mua về thì nhặt sạch phần lá, rửa sạch phần thân, dùng dao nhọn chẻ thành những khúc vừa ăn.
- Tỏi bóc vỏ đập dập, ớt thì rạch bỏ hạt băm nhỏ hoặc thái sợi.
Cách thực hiện
- Bước 1: Ngâm rau trong nước lạnh 30 phút.
- Bước 2: Trần sơ qua nước sôi, chú ý để cọng rau ngập nước, được khoảng nửa phút thì vớt rau ra cho ngay vào bát nước đá.
- Bước 3: Pha nước trộn nộm rau bằng cách trộn tỏi, ớt đã sơ chế với một thìa đường vào 1 chén nhỏ, hòa với một thìa nước, 3 thìa nước mắm khuấy đều đến khi đường tan.
- Bước 4: Trộn nộm củng với nước trộn vừa pha và nước cốt chanh trước khi ăn khoảng 30 phút.
- Bước 5: Cuối cùng, trộn thêm một ít rau kinh giới đã nhặt rửa sạch, cho nộm ra đĩa, rắc lạc rang lên trên và thưởng thức.
+ Rau muống xào tỏi
Chuẩn bị nguyên liệu
- Rau muống
- Tỏi băm, nước mắm, bột canh, bột ngọt, hạt nêm
Các bước thực hiện
- Đun sôi nước và cho rau muống vào, để sôi tầm 1-2 phút thì đảo đều. Đến khi dùng tay vừa đủ bấm được cọng rau thì vớt rau ra.
- Có thể rửa rau qua nước lạnh giúp rau giòn và xanh hơn, để ráo.
- Phi tỏi và cho rau vào trộn đều, thêm một ít nước mắm, bột ngọt, bột canh tùy theo khẩu vị.
- Cuối cùng, tắt bếp, cho chỗ tỏi bằm còn lại vào trộn đều là xong.
Rau muống xào tỏi
Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn trả lời câu hỏi ăn rau muống có tác dụng gì đối với sức khỏe. Rau muống thực sự là loại thực phẩm cung cấp nhiều giá trị dinh dưỡng và giúp phòng tránh nhiều loại bệnh. Tuy nhiên, bạn không nên quá lạm dụng và ăn chúng quá nhiều, điều đó sẽ không tốt tí nào. Ăn uống hợp lý sẽ luôn là chìa khóa để có sức khỏe tốt nhất.
5 lý do bạn nên bổ sung rau hẹ vào thực đơn hằng ngày
Rau hẹ là loại rau gia vị quen thuộc với nhiều người, không chỉ ngon miệng mà rau hẹ còn...
Những loại quả ngon tưởng ‘lành’ nhưng cực hại cho dạ dày nếu ăn sai giờ, đặc biệt có loại...
Trái cây là nguồn cung cấp vitamin dồi dào cho cơ thể, nhưng khi ăn bạn nên có sự chọn...
6 lợi ích tuyệt vời khi ăn cà chua mà bạn cần biết!
Nghiên cứu cho thấy rằng có một danh sách dài các lợi ích của việc ăn cà chua - từ...
Rau ngót được mệnh danh là “thần dược xanh” với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhưng 3 nhóm...
Rau ngót, một loại rau quen thuộc trong bữa cơm gia đình Việt, được biết đến với nhiều lợi ích...