Bạn đọc Hoàng Thiên Q. (hoangthi…@gmail.com), hỏi: Cha và anh trai tôi đều từng bị sỏi mật, riêng cha tôi đã phải phẫu thuật để lấy sỏi ra. Một vài người bạn tôi cũng bị bệnh này. Tôi nghe nói sỏi mật liên quan nhiều đến cách mình ăn uống. Ăn đúng cách thì phòng bệnh, sai cách thì gây bệnh, có đúng không? Tôi nên làm gì để phòng ngừa?

Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, trả lời:

Sỏi mật chủ yếu hình thành do sự kết tụ của các thành phần trong dịch mật khi nồng độ của chúng quá mức bão hòa: Muối mật, bilirubin, cholesterol… Sỏi cholesterol chiếm khoảng 80% các trường hợp bị sỏi mật, do vậy điều chú ý đầu tiên là nên bảo đảm không ăn quá nhiều món giàu cholesterol.

Các món ăn khiến bạn dễ bị tăng cholesterol "xấu" có thể kể đến là mỡ động vật, các món ăn từ nội tạng (tim, gan, lòng…), các món ăn ngọt, các món được chế biến quá nhiều dầu mỡ hay quá nhiều tinh bột. Trái lại, ăn nhiều rau, củ, quả, thường xuyên các món ăn có chất nhầy (chất xơ hòa tan) như mướp hương, đậu bắp, mồng tơi, rau đay, rau dền… sẽ giúp giảm cholesterol hiệu quả.

Ảnh minh họa: Internet

Loại chất béo nên dùng để nấu ăn là chất béo thực vật như dầu – bơ đậu phộng, chất béo từ các loại hạt, dầu oliu… Riêng chất béo từ cá (nhất là các loại cá dầu như cá thu, cá ngừ, cá trích…) tuy là chất béo động vật nhưng vẫn được xếp loại chất béo tốt.

Cách ăn giảm cholesterol có lợi cho cả người đã bị sỏi mật, vì giúp giảm gánh nặng cho túi mật, hạn chế cơn đau do sỏi mật và ngăn ngừa sỏi gia tăng kích thước.

Một số bằng chứng khoa học cho thấy bổ sung thường xuyên vitamin C cũng giúp giảm nguy cơ mắc sỏi mật.

Ngoài ra, bạn nên ăn đúng bữa trong ngày, không ăn dồn ít bữa nhưng mỗi bữa quá nhiều đồ ăn. Ăn dồn khiến túi mật làm việc quá tải, đồng thời khiến dịch mật trở nên đặc hơn, cholesterol dễ kết tinh thành sỏi. Đó là lý do người bị sỏi mật được khuyên nên chia khẩu phần thành nhiều bữa nhỏ.