Ba nhà nghiên cứu người Nhật từ ĐH Y Jichi tại tỉnh Tochigi đã phát hiện mối tương quan tương đối đáng kể giữa sự phổ biến của các nhà hàng ramen và tỉ lệ tử vong do đột quỵ ở một số vùng nhất định của nước Nhật.

Theo dõi vấn đề này, tờ Asahi Shimbun cho biết các tỉnh Tochigi, Akita, Aomori, Yamagata, Niigata và Kagoshima đều nổi tiếng về các nhà hàng ramen và cho đến nay đều là những vùng có số người đột quỵ cao nhất.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng họ không có dữ liệu về chế độ ăn uống của các nạn nhân đột quỵ. Ngoài ra, ramen ở từng chỗ cũng khác nhau về lượng đậu nành, nước dùng, miso (một loại gia vị giống tương) và muối.

Các món ăn phụ được phục vụ tại các nhà hàng ramen cũng không được xem xét trong nghiên cứu. Theo trang weareresonate.com, các món ăn phụ này có thể bao gồm các yếu tố dinh dưỡng gây nhiễu cho nghiên cứu.

Ảnh minh họa: Internet

Tờ Shimbun cũng lưu ý rằng có nhiều khả năng là các hộ gia đình ở những tỉnh này sử dụng muối nhiều hơn, dẫn đến tình trạng huyết áp cao. Theo một cuộc khảo sát của chính phủ Nhật thì tỉnh Yamagata tiêu thụ muối nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác ở nước này.

Thực tế, từ nhiều thập kỷ qua, nhiều người Nhật đã biết rằng ramen không phải một món ăn lành mạnh vì có nhiều gluten và đường trong khi nước dùng có rất nhiều bột ngọt và chất béo bão hòa. Japan Times cho biết đây là một sự kết hợp chết người, ảnh hưởng không chỉ với nội tạng mà còn đến não bộ con người. Theo đó, ăn ramen thường xuyên có thể liên quan đến chứng mất trí nhớ.

Tuy nhiên, người Nhật vẫn rất chuộng ramen, một phần vì lý do lịch sử. Mì ramen trở nên phổ biến từ những năm 1950 khi người dân Nhật đang nghèo đói vì chiến tranh. Mì ramen trở thành món ăn chống đói vì dễ làm và dễ ăn, toàn bộ quá trình này mất chưa đầy 10ph.

 
Năm 1958, ông tổ mì ăn liền Momofuku Ando đã giới thiệu món mì ramen ăn liền đầu tiên trên thế giới và trở thành món ăn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Nhật trong thập niên 1960 và 1970.

Sau đó, công ty Nissin Foods của ông Ando đã ra mắt mì ly Cup Noodle và mì ăn liền cứ thế lan rộng ra toàn cầu. Câu chuyện về cuộc đời ông Ando đã được chuyển thể thành phim và cực kỳ nổi tiếng với người hâm mộ ramen.

Tin tức mới nhất không mấy tốt đối với những người quan tâm ramen. Japan Times ngày 2-12 cho biết nhiều blogger thông báo rằng một số nhà hàng ramen yêu thích của họ đã ngừng hoạt động vì chủ và nhân viên của nhà hàng gặp vấn đề về sức khỏe.

Làm và phục vụ ramen là một công việc khó khăn. Người chủ phải thường xuyên làm việc trên 12 tiếng mỗi ngày. Ngoài ra, hít khói từ bốc lên từ nấu thịt và cá thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư và đột quỵ.

Trong cuộc phỏng vấn với Asahi Shimbun, giáo sư Tomonori Okamura của ĐH Keio khuyên các nhà hàng ramen nên hạn chế sử dụng đường và muối, kêu gọi thực khách nên bỏ thêm nhiều rau, giá vào món ăn.