Mới đây, trên mạng xã hội đã diễn ra tranh luận về việc một nhóm người cùng ở với nhau, nhưng có người bị muỗi đốt nhiều, còn người khác lại không hề bị đốt. Theo đó, có ý kiến cho rằng, những người có nhóm máu O sẽ hay bị muỗi đốt hơn, vì đây là nhóm máu chuyên cho. Tuy nhiên, một số người khác lại phản biện rằng, người bị muỗi đốt là do “thịt thơm” hơn, vì thế dễ thu hút muỗi.

Tuy nhiên, ý kiến nghiêng về giả thuyết nhóm máu O được nhiều người đồng tình nhất. Chị Lê Ngọc (ở Thanh Oai, Hà Nội) có nhóm máu O, từ nhỏ đến giờ chị luôn bị muỗi đốt nhiều hơn so với những người khác.

Khi còn nhỏ, dù chơi cùng một địa điểm nhưng chân tôi bao giờ cũng bị muỗi đốt nhiều hơn các bạn. Thời sinh viên, trời nóng 3 đứa ngủ ở phòng trọ không mắc màn, hai người kia không sao, còn tôi, cứ chỗ nào hở ra là bị đốt. Bây giờ vẫn vậy, vì thế tôi ám ảnh với muỗi”, chị Ngọc chia sẻ.

Ai cũng có nguy cơ bị muỗi đốt, nhưng một số người lại thu hút muỗi đến nhiều hơn. Ảnh minh họa. 

 

Trước thông tin trên, TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho biết, bản thân ông cũng nhận được rất nhiều câu hỏi như: Có phải người thịt thơm thì hay bị muỗi đốt? Người nhóm máu O dễ bị muỗi đốt hơn?

Theo TS Dũng, muỗi không bị thu hút bởi nhóm máu, hay mùi hương. Thậm chí, muỗi còn dị ứng và rất sợ mùi hương, nhất là những mùi nhân tạo trên cơ thể. “Những người hay dùng nước hoa, bôi dầu, dùng hương tự nhiên từ các loại thảo dược thường không bị muỗi đốt do chúng sợ những mùi này, vì ít nhiều vẫn có hóa chất ở trong đó”, ông Dũng giải thích.

Theo ông Dũng, muỗi có bộ phận cảm thụ nằm ở râu, đây là cơ quan để muỗi định hướng phương hướng và tìm tới người để đốt. Bộ phận này cũng rất mẫn cảm với mùi hương, nhất là những mùi có hóa chất như nước hoa, phấn…

Lý giải vì sao có người bị muỗi đốt nhiều, người bị muỗi đốt ít, TS Dũng cho biết, đó là do chất pheromone (chất dẫn dụ) trong cơ thể người được tiết ra. Những ai tiết ra nhiều chất pheromone thì sẽ thu hút muỗi và bị muỗi tìm đến đốt nhiều hơn.

Thực tế, ai cũng có nguy cơ bị muỗi đốt. Tuy nhiên, trong một gia đình hay cùng một quần thể có người sẽ bị đốt nhiều hơn. Đó là do người này tiết ra chất pheromone hấp dẫn được muỗi. Tùy vào cơ địa mỗi người, chất pheromone tiết ra sẽ khác nhau. Trong đó, có những loại thu hút cảm thụ của muỗi và chúng sẽ tìm đến những người này để đốt nhiều hơn”, ông Dũng chia sẻ.

Theo TS Nguyễn Văn Dũng, người bị muỗi đốt nhiều không liên quan đến nhóm máu hay mùi tự nhiên của cơ thể. 

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, bản thân muỗi cũng tiết ra chất pheromone để thu hút bạn tình đến giao phối. Thông thường, muỗi đực sẽ tiết ra chất này, thời gian tiết ra nhiều nhất vào buổi chiều tối khi chúng bay thành những vòng tròn. Hành động này nhằm thu hút muỗi cái đến để giao phối.

Ngoài vấn đề trên, nhiệt độ cơ thể cũng có thể thu hút muỗi nhiều hơn. Cụ thể, với những người có nhiệt độ cao hơn tự nhiên, muỗi hay tìm đến hơn.

TS Nguyễn Văn Dũng cho biết, mặc dù mỗi người có sự thu hút muỗi khác nhau, tuy nhiên ai cũng có nguy cơ bị muỗi đốt, trong đó có nhiều loại muỗi truyền bệnh nguy hiểm. Vì thế, tốt nhất mọi người hãy chủ động phòng tránh bị muỗi đốt để phòng bệnh. Biện pháp tốt nhất là diệt ổ loăng quoăng, bọ gậy, đồng thời ngủ mắc màn hoặc phun thuốc diệt muỗi theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Muỗi có thể sẽ đốt những người tiết ra chất pheromone nhiều hơn, tuy nhiên, khi cùng một quần thể không ai tiết ra chất đó thì muỗi có thể đốt bất kể ai. Vì thế, mọi người hãy chủ động diệt muỗi và phòng muỗi đốt để tránh nguy cơ mắc bệnh do muỗi đốt”, TS Dũng khuyên.