Dưới đây là một số điều cần biết về ung thư vú, các yếu tố nguy cơ, dấu hiệu nhận biết, phương pháp điều trị cũng như các biện pháp mà phụ nữ có thể làm để giảm nguy cơ mắc ung thư vú.

1. Ung thư vú là gì?
Vú là một cơ quan nằm trên các xương sườn trên và cơ ngực. Có một bên ngực trái và phải và mỗi bên có chủ yếu là các tuyến, ống dẫn và mô mỡ. Ở phụ nữ, vú tạo và cung cấp sữa để nuôi trẻ sơ sinh. Số lượng mô mỡ trong vú quyết định kích thước của mỗi bên vú.

Ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng xâm lấn xung quanh và di căn xa.

Ung thư vú có thể bắt đầu từ các bộ phận khác nhau của vú như các tuyến thùy tạo ra sữa mẹ, ống dẫn sữa, núm vú, mô liên kết, các mạch máu và mạch bạch huyết…

Ung thư vú có thể lây lan khi các tế bào ung thư xâm nhập vào máu hoặc hệ thống bạch huyết và sau đó được đưa đến các bộ phận khác của cơ thể.

Có nhiều loại ung thư vú khác nhau. Hầu hết ung thư vú là ung thư biểu mô. Các bệnh ung thư vú phổ biến nhất như ung thư biểu mô ống dẫn sữa tại chỗ và ung thư biểu mô xâm lấn là ung thư biểu mô tuyến, vì ung thư bắt đầu trong các tế bào tuyến trong ống dẫn sữa hoặc các tiểu thùy (tuyến sản xuất sữa).

Hình ảnh ung thư vú.

2. Các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú
Các yếu tố nguy cơ mắc ung thư vú bao gồm: tuổi cao, tiếp xúc với các chất sinh ung thư trong môi trường, hút thuốc lá, uống rượu, thừa cân, béo phì, ít vận động và một số yếu tố di truyền.

Yếu tố nguy cơ cao mắc ung thư vú bao gồm: tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, tiền sử có kinh sớm (trước 12 tuổi), mãn kinh muộn (sau 55 tuổi), thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai hoặc hormone nội tiết estrogen thay thế, không sinh con hoặc sinh con muộn sau 30 tuổi….

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, có nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư vú, trong đó có các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống như: chế độ ăn uống, sinh hoạt vận động… có thể làm tăng khả năng phát triển ung thư vú. Tuy nhiên, nhưng vẫn chưa biết chính xác cách một số yếu tố nguy cơ này khiến các tế bào bình thường trở thành ung thư.

Các hormone dường như cũng đóng một vai trò trong nhiều trường hợp ung thư vú, nhưng điều này xảy ra như thế nào thì vẫn chưa được hiểu đầy đủ.

Chúng ta biết rằng các tế bào vú bình thường có thể trở thành ung thư do những thay đổi hoặc đột biến trong gen. Nhưng chỉ khoảng 1/10 trường hợp ung thư vú (10%) có liên quan đến các gen bất thường đã biết được di truyền từ cha mẹ. Nhiều gen vẫn chưa được phát hiện, vì vậy phụ nữ có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú có thể đã thừa hưởng một gen bất thường không hiển thị trong xét nghiệm di truyền. Hầu hết ung thư vú (khoảng 90%) phát triển từ những thay đổi gen mắc phải (không di truyền) mà vẫn chưa được xác định.

3. Dấu hiệu nhận biết ung thư vú
Ung thư vú đôi khi được phát hiện sau khi các triệu chứng xuất hiện, nhưng nhiều phụ nữ bị ung thư vú không có triệu chứng. Vì đây là một bệnh lý có quá trình hình thành bệnh kéo dài, do đó có một khoảng thời gian mặc dù khối u đã hình thành nhưng có thể vẫn không có triệu chứng.

Các dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân ung thư vú có thể bao gồm:

- Đau vú: Đau có thể không liên quan đến kỳ kinh, hoặc đau ở một bên vú, hoặc đau kéo dài.

- Thay đổi ở da vú và núm vú: Các thay đổi này có thể là da vú dày lên và trở lên sần sùi, hoặc da vú trở lên căng mọng, kèm theo đỏ và có thể đau, hoặc núm vú bị kéo tụt vào trong.

- Chảy dịch hoặc chảy máu ở đầu vú: Đầu vú tự nhiên chảy dịch hoặc chảy máu, có thể kèm theo đau hoặc không, đặc biệt là khi các bất thường này chỉ xuất hiện ở một bên vú.

- Sờ thấy khối bất thường ở vú hoặc ở nách: Các khối này có thể cố định hoặc di động, kích thước khác nhau và ranh giới có thể khó xác định, có thể đau hoặc không đau.

Khi phát hiện có một trong những dấu hiệu bất thường này, chị em phụ nữ nên đến cơ sở y tế chuyên khoa sớm để khám, làm xét nghiệm chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Dấu hiệu ung thư vú.

4. Các xét nghiệm chẩn đoán ung thư vú
Nếu có triệu chứng nghi ngờ có thể là ung thư vú, người bệnh sẽ cần thêm các xét nghiệm để biết chắc chắn đó có phải là ung thư hay không.

Các xét nghiệm khác nhau có thể được sử dụng để tìm và chẩn đoán ung thư vú bao gồm: Chụp Xquang tuyến vú, siêu âm vú, MRI vú…

Tế bào học: Chọc hút bằng kim nhỏ được thực hiện khi chụp Xquang tuyến vú, các xét nghiệm hình ảnh khác hoặc khám sức khỏe cho thấy một thay đổi ở vú có thể là ung thư. Đối với các trường hợp khó xác định tổn thương, cần chọc hút tế bào dưới hướng dẫn của chẩn đoán hình ảnh. Tế bào học có thể làm với dịch tiết núm vú.

Sinh thiết tổn thương (u nguyên phát, hạch, các tổn thương nghi ngờ di căn): để chẩn đoán mô bệnh học và đánh giá các dấu ấn sinh học. Mô bệnh học là tiêu chuẩn vàng để xác định ung thư vú

Làm xét nghiệm hóa mô miễn dịch: đánh giá tình trạng thụ thể estrogen (estrogen receptor- ER), thụ thể progesteron (progesteron receptor- PR), HER2 và Ki67. Đối với ung thư biểu mô thể ống tại chỗ đơn thuần không cần xác định tình trạng HER2 (không thay đổi tiên lượng, can thiệp) nhưng cần xác định tình trạng ER để cân nhắc điều trị nội tiết bổ trợ.

Chất chỉ điểm u: CA15-3, CEA, giúp tiên lượng và theo dõi sau điều trị, đồng thời cũng là một trong những phương án gợi ý sớm trong việc chẩn đoán ung thư vú.

Chụp Xquang tuyến vú.

5. Các phương pháp điều trị ung thư vú
Có nhiều phương pháp điều trị ung thư vú như: phẫu thuật, xạ trị, điều trị nội khoa (thuốc hóa trị, thuốc điều trị nội tiết, thuốc điều trị miễn dịch, thuốc điều trị đích..). Tùy theo giai đoạn bệnh, đặc điểm sinh học của khối u, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân… các bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phù hợp, có thể phối hợp nhiều phương pháp điều trị trên một bệnh nhân.

- Phẫu thuật nhằm mục đích lấy bỏ khối u tại vú và trong hầu hết các trường hợp là vét hạch hố nách. Bác sĩ sẽ cân nhắc đưa ra chỉ định phẫu thuật bảo tồn (chỉ cắt một phần tuyến vú có khối u) hoặc phẫu thuật triệt căn (cắt hết toàn bộ tuyến vú).

- Điều trị hóa chất sau phẫu thuật nhằm mục đích giảm nguy cơ tái phát (còn gọi là điều trị bổ trợ) và là một phần của điều trị triệt căn ung thư vú. Trong những trường hợp khối u lớn hoặc hạch nách dính không thể phẫu thuật được ngay, điều trị bằng hóa chất nhằm giảm kích thước khối u để tạo thuận lợi cho phẫu thuật. Khi ung thư vú đã di căn, điều trị toàn thân bằng hóa chất giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh và cải thiện triệu chứng.

- Xạ trị là sử dụng chùm tia năng lượng cao hoặc các dạng tia phóng xạ khác để tiêu diệt các tế bào ung thư hay ngăn ngừa chúng phát triển và giảm nguy cơ tái phát.

- Điều trị nội tiết: Sử dụng các thuốc nội tiết, theo nhiều cơ chế khác nhau, giúp estrogen không gắn được với thụ thể của nó trên tế bào ung thư sẽ có tác dụng làm cho tế bào ung thư không phát triển được.

- Điều trị đích là liệu pháp sử dụng thuốc hoặc các hóa chất khác nhằm tiêu diệt tế bào ung thư mà không gây hại đến các tế bào khỏe mạnh xung quanh.

- Điều trị miễn dịch là việc sử dụng các loại thuốc để tăng cường hệ thống miễn dịch của chính một người để nhận biết và tiêu diệt các tế bào ung thư hiệu quả hơn. Liệu pháp miễn dịch thường hoạt động trên các protein cụ thể liên quan đến hệ thống miễn dịch để tăng cường phản ứng miễn dịch.

Người bệnh cần lưu ý tuân thủ tuyệt đối chỉ định điều trị của bác sĩ, thực hiện đầy đủ các bước điều trị, không tự ý ngừng điều trị khi thấy khối u thuyên giảm hoặc bỏ chuyển sang dùng thuốc lá, thuốc Nam không rõ nguồn gốc theo mách bảo.
 

Phẫu thuật điều trị ung thư vú.

6. Ung thư vú có thể phòng ngừa được không?
Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa ung thư vú. Nhưng có những điều chị em phụ nữ có thể làm để giảm nguy cơ mắc bệnh, đó là:

- Duy trì cân nặng hợp lý: Cả trọng lượng cơ thể tăng lên và tăng cân khi trưởng thành đều có liên quan đến nguy cơ ung thư vú cao hơn sau khi mãn kinh. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo phụ nữ nên duy trì cân nặng hợp lý trong suốt cuộc đời và tránh tăng cân quá mức bằng cách cân bằng lượng thức ăn với hoạt động thể chất.

- Thường xuyên hoạt động thể chất: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hoạt động thể chất thường xuyên có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư vú. Nên duy trì việc tập thể dục ít nhất 5 buổi/tuần, mỗi buổi ít nhất 30 phút.

- Ăn uống đủ dinh dưỡng, cân bằng, ưu tiên thực phẩm lành mạnh: Một số nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều rau, trái cây và các sản phẩm từ sữa giàu canxi, ăn ít thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú.

- Cho con bú: Nghiên cứu cho thấy, cho con bú sữa mẹ giúp giảm nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ trước và sau mãn kinh. Nguy cơ ung thư vú giảm khi thời gian cho con bú tăng lên.

- Cân nhắc và tư vấn bác sĩ cụ thể khi lựa chọn liệu pháp hormone điều trị các triệu chứng mãn kinh.

7. Khám tầm soát phát hiện sớm ung thư vú
Ung thư vú đôi khi được phát hiện sau khi các triệu chứng xuất hiện, nhưng nhiều phụ nữ bị ung thư vú không có triệu chứng. Đó là nguyên nhân nhiều bệnh nhân ung thư vú được chẩn đoán và điều trị muộn. Do đó, việc tầm soát ung thư vú là rất quan trọng.

- Tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên tự khám vú thường xuyên và khám định kỳ tầm soát ung thư.

- Phụ nữ trên 40 tuổi nên tầm soát ung thư vú bằng siêu âm tuyến vú hoặc chụp Xquang tuyến vú 1 năm/lần.

- Phụ nữ có yếu tố nguy cơ cao mắc ung thư vú nên siêu âm tuyến vú, chụp Xquang tuyến vú và chụp cộng hưởng từ tuyến vú 1 năm/lần.