6 triệu chứng cảnh báo cơ thể đang thừa canxi
Tự bổ sung sản phẩm chứa canxi hàng ngày cho con vì lo thấp còi
Thấy con có chiều cao 'khiêm tốn' khi đứng cùng các bạn lớp tiểu học, chị Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) rất sốt ruột. Mặc dù chị cho con ăn uống đủ chất với các loại thực phẩm đa dạng như thịt, trứng, tôm, cá, cua... con còn uống sữa đều đặn vậy mà không hiểu sao bé lại có vẻ thấp còi hơn nhiều bạn. Chị Nga lên mạng tìm hiểu trên một số diễn đàn và quyết định cho con bổ sung canxi, nào là canxi cá tuyết có vị thơm ngon dễ uống, nào là tảo xoắn hỗ trợ tăng chiều cao... theo hướng dẫn của người bán hàng.
Trường hợp tự ý bổ sung canxi cho con như chị Nga không ít, nhiều người thậm chí còn nghĩ thiếu canxi mới lo chứ thừa chút không sao!?
Bác sĩ Ngô Đức Hùng - Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai kể câu chuyện trong một lần bác sĩ chứng kiến tại quầy thuốc, có nhiều người đến mua thuốc kê đơn và loại được hỏi mua nhiều nhất là sản phẩm chứa canxi cho trẻ mà đa số lý do là cha mẹ sợ con thiếu canxi nên bổ sung thêm. Thậm chí trên một số diễn đàn dinh dưỡng online thường nhắc đến việc cần thiết phải bổ sung canxi cho trẻ. Theo BS. Ngô Đức Hùng, điều này đúng nhưng không phải tất cả bởi thời đại bây giờ, việc lo lắng bữa ăn thiếu canxi và tìm mọi cách bổ sung canxi là không còn phù hợp nữa trừ một vài trường hợp bệnh lý.
Nhu cầu canxi được khuyến nghị
Canxi là một khoáng chất có vai trò quan trọng đối với các quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Canxi giúp cơ thể hình thành hệ xương và răng vững chắc, đảm bảo chức năng của hệ thần kinh và sự đông máu bình thường. Tất cả mọi người đều rất cần canxi, đặc biệt là đối với trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi.
Trong cơ thể con người, 99% canxi tồn tại ở hệ xương, hệ răng và 1% ở dịch bào trong máu. Canxi rất cần thiết cho một cơ thể khỏe mạnh, đặc biệt là cho xương. Xương của bạn là nơi lưu trữ canxi chính trong cơ thể. Canxi giúp duy trì khối lượng xương và hỗ trợ cấu trúc một bộ xương chắc khỏe.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Để bổ sung canxi thì chúng ta cũng cần hiểu nhu cầu khuyến nghị canxi là bao nhiêu cho một ngày. Đối với trẻ 1-2 tuổi là 400mg/1 ngày. Nhu cầu canxi tăng dần theo nhóm tuổi, 10 - 18 tuổi cần 1.000mg canxi mỗi ngày.
Người trưởng thành cần 800mg canxi mỗi ngày. Riêng đối với nữ giới từ 50-90 tuổi là 900mg/ngày, phụ nữ mang thai cần 1.200mg, phụ nữ cho con bú 1.300mg canxi mỗi ngày.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, việc bổ sung canxi bằng các chế phẩm thuốc hoặc thực phẩm chức năng là không cần thiết khi chế độ ăn uống hàng ngày đầy đủ chất dinh dưỡng và trong trường hợp cần bổ sung thì phải có sự tư vấn của người có chuyên môn như bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Các biểu hiện dư thừa canxi
Về cơ bản, khi bạn cung cấp canxi thông qua thực phẩm thì bạn sẽ không bị thừa canxi. Chỉ khi bạn uống các loại thuốc hoặc thực phẩm bổ sung canxi quá liều thì sẽ có nguy cơ dư thừa canxi.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu cơ thể thừa canxi, trẻ có thể bị không phát triển được chiều cao như mong muốn. Điều này được lý giải là do hàm lượng canxi trong máu tăng cao có thể đi vào xương nhiều hơn, làm cốt hóa các đầu xương sớm, dẫn đến hạn chế sự phát triển xương, ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình phát triển chiều cao. Canxi rất quan trọng đối với xương nhưng lượng canxi dư thừa có thể làm yếu xương của bạn.
Quá nhiều canxi cũng có thể gây hại cho cơ thể theo nhiều cách. Cụ thể, khi mức canxi trong máu cao hơn mức bình thường gọi là tình trạng tăng canxi máu.
Các triệu chứng dư thừa canxi có thể khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân và vấn đề đã xuất hiện trong bao lâu. Dưới đây là 6 biểu hiện khi cơ thể nạp quá nhiều canxi:
Một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của việc uống quá nhiều canxi là táo bón. Quá nhiều canxi có thể dẫn đến các triệu chứng tiêu hóa, chẳng hạn như buồn nôn hoặc nôn, chán ăn hoặc táo bón.
Thừa canxi khiến thận phải làm việc nhiều hơn để lọc canxi. Điều này có thể gây ra khát nước quá mức và đi tiểu thường xuyên.
Đau xương và yếu cơ, thậm chí co giật cũng là triệu chứng khá phổ biến nếu bạn dùng quá nhiều canxi.
Thường xuyên nhức đầu và mệt mỏi cũng là hậu quả của việc tiêu thụ quá nhiều canxi.
Tăng canxi máu thậm chí có thể cản trở hoạt động của não, dẫn đến lú lẫn, thờ ơ và mệt mỏi.
Một số ít trường hợp tăng canxi máu nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến chức năng tim, gây ra đánh trống ngực và ngất xỉu, dấu hiệu của rối loạn nhịp tim và các vấn đề về tim khác.
Với người không có triệu chứng tăng canxi máu rõ ràng, nhưng có những dấu hiệu này gợi ý rằng mức canxi của người đó có thể cao. Tăng canxi máu quá mức có thể cần phải nhập viện để điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Điểm danh những thực phẩm là ‘vua hại thận’, nếu muốn thận được khỏe mạnh bạn không nên ăn nhiều
Thận đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe, vì thế bảo vệ thận khỏe mạnh là điều...
Mật ong rất tốt cho sức khỏe, nhưng bạn đã biết uống mật ong vào thời điểm nào là tốt...
Trong mật ong có nhiều thành phần giúp cải thiện sức khỏe, thậm chí có tác dụng làm đẹp. Tuy...
Những loại rau, củ chứa ‘độc’ rất dễ gây ung thư, dù bán rẻ mấy bạn cũng không nên mua
Có những loại rất quen thuộc, nhưng thật sự bạn không nên để gia đình sử dụng. Vì khi cơ...
5 vật dụng trong nhà dễ trở thành "ổ chứa" chất gây ung thư
Formaldehyde đã được WHO xếp vào nhóm chất gây ung thư nguy hiểm khi tiếp xúc qua đường hô hấp....