6 sai lầm khi chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết
BSCKI Huỳnh Ngọc Thiện Vương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới
Thông thường trong 3 ngày đầu, người bệnh thường sốt cao, đau nhức toàn thân. Từ ngày 4 trở đi, người bệnh không còn sốt cao nên tâm lý chủ quan, tuy nhiên đây lại là giai đoạn bệnh bắt đầu chuyển nặng như tụt huyết áp, chảy máu nhiều… Vì vậy, người bệnh và người chăm sóc nên lưu ý giai đoạn này.
Ngoài ra, bạn cần tránh những cách điều trị sai khi gia đình có người mắc sốt xuất huyết:
- Cạo gió: Trong bệnh sốt xuất huyết, người bệnh dễ bị chảy máu hoặc bầm da do tình trạng rối loạn đông máu. Cạo gió làm vỡ các mạch máu tạo ra nhiều mảng bầm máu.
- Không ăn uống đầy đủ: Nhiều người bệnh sốt xuất huyết thường đau bụng, tiêu chảy, ói nhiều nên nhịn ăn uống vì sợ rối loạn tiêu hóa nặng hơn. Điều này dẫn đến hạ đường huyết, rối loạn điện giải, co giật, dễ tụt huyết áp… Người bệnh nên uống nhiều nước, ăn đầy đủ, trẻ nhỏ có thể ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, chia thành nhiều cử. Tránh thức ăn, nước uống có màu đen hoặc đỏ, vì sẽ khó phân biệt khi người bệnh ói máu hoặc tiêu phân có máu.
- Dùng thuốc hạ sốt không đúng cách: Paracetamol là thuốc hạ sốt phổ biến và khá an toàn trong bệnh sốt xuất huyết, nhưng vì tâm lý muốn hạ sốt nhanh nên người bệnh dùng thuốc hạ sốt dồn dập liên tục. Ở trẻ em, một số cha mẹ vừa cho đồng thời thuốc uống lẫn thuốc nhét hậu môn. Khi quá liều Paracetamol dẫn đến ngộ độc, suy gan, rối loạn đông máu nặng hơn.
Liều dùng cho trẻ em là 10-15 mg/kg/lần, mỗi lần uống cách nhau 4-6 giờ. Liều an toàn nên dưới 4 g/ngày với người lớn và dưới 80 mg/kg/ngày với trẻ em.
Bạn tuyệt đối không dùng thuốc Ibuprofen và Aspirin để hạ sốt vì 2 loại thuốc này dễ gây xuất huyết tiêu hóa, làm tình trạng bệnh thêm nguy kịch.
- Ủ ấm quá mức: Khi sốt cao, người bệnh có cảm giác lạnh run nên thường đắp mền (chăn) khiến khó thoát nhiệt làm cho sốt khó hạ. Trẻ em thì được cha mẹ quấn khăn ủ kỹ vì sợ con lạnh, sốt ngày càng cao có thể khiến trẻ bị co giật. Người bệnh tốt nhất nên mặc đồ thoáng, lau nước ấm thường xuyên, ở trong phòng thoáng mát.
- Tự dùng thuốc kháng sinh: Kháng sinh không có tác dụng gì với bệnh sốt xuất huyết, vì đây là bệnh do virus gây ra. Người bệnh không nên có suy nghĩ cứ sốt là phải dùng kháng sinh, cần có ý kiến của bác sĩ.
- Tự ý truyền dịch: Đây cũng là quan niệm sai vẫn còn tồn tại của một bộ phận người dân. Việc tùy tiện truyền dịch không đúng cách sẽ dẫn đến phù, khó thở, thậm chí phù phổi, suy tim, nguy hiểm đến tính mạng. Truyền dịch chỉ nên thực hiện trong các cơ sở y tế và phải có sự theo dõi chặt chẽ.
Nhận biết biểu hiện nặng của bệnh:
Khi có sốt, người bệnh nên đi khám bệnh để được chẩn đoán phù hợp, có bệnh sốt xuất huyết hay không. Tùy mức độ bệnh và kết quả các xét nghiệm, người bệnh có thể được hướng dẫn dùng thuốc, theo dõi và chăm sóc tại nhà. Bất cứ thời điểm nào trong ngày, bệnh nhân cần nhập viện nếu có các biểu hiện sau:
- Vật vã, bứt rứt hoặc lừ đừ, li bì.
- Tay chân lạnh.
- Đau bụng, nôn ói nhiều.
- Chảy máu răng, máu mũi, ói ra máu, tiêu phân đen.
Người bệnh sẽ được thăm khám, đánh giá mức độ nặng và xử trí phù hợp. Bạn nên tránh tình trạng đến bệnh viện trễ dẫn đến tụt huyết áp quá lâu, mất máu quá nhiều, tổn thương đa cơ quan khó hồi phục.
Nam giới bụng to, nhìn cho sang hay chỉ toàn tác hại?
Nam giới bụng to không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình của phái mạnh mà còn là “thủ phạm” của nhiều căn bệnh.
Điều gì xảy ra khi đội mũ vào mùa đông?
Đội mũ vào mùa đông không chỉ để chống lạnh mà còn mang lại những lợi ích sức khỏe không ngờ. Tuy nhiên, đội như thế nào, chất liệu mũ ra sao cũng cần đặc biệt chú ý.
Người Nhật ăn gì để giảm gãy xương?
Một số chuyên gia đã phát hiện ra rằng mặc dù lượng canxi hấp thụ của người Nhật thấp hơn so với các nước Âu Mỹ nhưng tỷ lệ gãy xương lại tương đối thấp.
Khảo sát 36.000 người trên 40 tuổi phát hiện: Đây thời gian đi bộ mỗi ngày để tăng thêm 11...
Nếu muốn gia tăng tuổi thọ, đây là phương pháp hữu hiệu bạn nên áp dụng.