Rau là một trong những thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của con người, có tác dụng cung cấp các chất dinh dưỡng như vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, nhiều người lại đưa ra những lời đồn vô căn cứ hoặc gán mác “tội đồ” cho nhiều loại rau. Chúng ta cần phải biết để phân biệt những lời đồn đại và tránh miễn cưỡng ăn những món mình không yêu thích hoặc bỏ lỡ nhiều món ngon lại bổ dưỡng.

Dưới đây là 6 hiều lầm về các loại rau củ trong chế độ ăn uống.

1. Ăn mướp đắng có thể làm giảm đường huyết không?

 

Mướp đắng được coi là có khả năng làm giảm lượng đường trong máu, chủ yếu là do hai hoạt chất trong mướp đắng là momordica charantin và peptide P. Về momordica charantia, bằng chứng từ các thí nghiệm trên động vật là tương đối đầy đủ, nhưng chưa có thử nghiệm lâm sàng trên người. Về polypeptide P, thực nghiệm cho thấy nó không có tác dụng rõ rệt, hàm lượng này trong mướp đắng rất ít, khó định lượng chính xác. Vì vậy, chỉ ăn mướp đắng khó có tác dụng hạ đường huyết.

Hiện tại vẫn chưa có kết luận nào về việc mướp đắng có tác dụng hạ đường huyết như thế nào, bệnh nhân tiểu đường nên thận trọng trước những thông tin tương tự, tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ và kiểm soát lượng đường trong máu, không nên tin vào những bài thuốc dân gian.

2. Ăn hương xuân có thể gây ung thư?

Có tin đồn rằng hương xuân chứa một lượng lớn nitrit, có thể gây ngộ độc và gây ung thư khi ăn nó, và nhiều người thậm chí đã phải nhập viện vì ăn thực phẩm này. Trên thực tế, nitrat và nitrit có rất nhiều trong nước và đất trong tự nhiên nên hầu hết các loại rau sẽ chứa một lượng nitrat và nitrit nhất định, tuy nhiên hàm lượng lại khác nhau. Năm 2002, Ủy ban chuyên gia hỗn hợp của FAO/WHO về phụ gia thực phẩm (JECFA) đã đánh giá rằng lượng nitrit cho phép hàng ngày là 0,07 mg/kg (tính theo ion nitrit). Hàm lượng nitrit của hương xuân trong toàn bộ chu kỳ sinh trưởng thay đổi trong khoảng 1,475-2,778 μg /g.

Lấy một người trưởng thành nặng 60kg làm ví dụ, nếu bạn muốn ăn hương xuân mà bị ngộ độc nitrit thì bạn cần phải ăn khoảng 1,6 kg, đây là điều không thể. Vì vậy, giả thuyết cho rằng ăn hương xuân sẽ dễ dẫn đến thừa nitrit, gây ngộ độc và sinh ung thư rất khó có thể xảy ra.

3. Nước rau củ quả có thể thanh lọc cơ thể bạn?

Việc thanh lọc bằng nước rau củ quả có thể không hiệu quả vì chúng thải bỏ lượng chất dinh dưỡng quan trọng và lượng calo cần thiết khiến cơ thể lâm vào tình trạng "chết đói". Đó là lý do tại sao bạn giảm cân quá nhanh khi thực hiện detox. Do đó, cách tốt nhất là dựa vào cơ chế thanh lọc tự nhiên của cơ thể, tiêu thụ các thực phẩm giàu dinh dưỡng, hoạt động tích cực cùng kiểm soát khẩu phần ăn và uống nhiều nước.

4. Cà chua làm chín bằng ethephon khiến chúng ta già đi nhanh chóng?

Người ta đồn rằng ăn cà chua chín bằng ethephon sẽ gây dậy thì sớm ở trẻ em và khiến con người già đi nhanh hơn. Thực tế, sử dụng ethephon để làm chín cà chua sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, mùi vị và hương vị của cà chua, nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Bình thường, người trồng trái cây sẽ không bổ sung quá nhiều chất làm chín, bổ sung quá nhiều không chỉ làm tăng chi phí mà còn làm rau quả nhanh hỏng.

Hơn nữa, ethephon là một chất điều hòa sinh trưởng thực vật, không giống như các hormone của con người, và nó sẽ không dễ dàng hoạt động trong cơ thể. Vì vậy, cà chua làm chín bằng ethephon khiến chúng ta già đi nhanh chóng chỉ là lời đồn thổi.

5. Ăn cần tây có làm giảm huyết áp không?

Cần tây có chứa apigenin, thực sự đã được chứng minh là có tác dụng làm giãn mạch và giảm huyết áp trong các thí nghiệm trên động vật, nhưng kết quả của các thí nghiệm trên động vật có thể không giống ở người. Hơn nữa, một chất nào đó muốn đạt được hiệu quả điều trị thì ngoài việc chứa các thành phần trị liệu, nó còn cần đủ liều lượng. Hàm lượng apigenin trong cần tây rất thấp, liều lượng sử dụng trong thí nghiệm trên động vật rất cao. Do đó, không có đủ bằng chứng để chứng minh rằng ăn cần tây có thể làm giảm huyết áp.

6. Ăn nhiều rau chân vịt để bổ sung sắt?

Người ta luôn nói rằng rau chân vịt có hàm lượng sắt cao, ăn nhiều có thể bổ sung sắt. Trên thực tế, theo kết quả xác định thành phần thực phẩm mới nhất và số liệu bảng thành phần thực phẩm, hàm lượng sắt trong rau chân vịt chỉ ở mức trung bình (2,9 mg/100 g) trong rau ăn lá. Hơn nữa, chất sắt trong rau chân vịt là chất sắt không heme, và tỷ lệ hấp thụ của cơ thể người tương đối thấp, thường chỉ 3% -8%, trong khi sắt heme trong thức ăn động vật có thể lên đến 20%, chẳng hạn như gan lợn. Do đó, việc dựa vào ăn rau chân vịt để bổ sung sắt là không thực tế.