Tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) là bệnh lý khá phổ biến nhưng không phải ai cũng có thể nhận biết. Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) đã từng chỉ ra rằng, những dấu hiệu khác thường ở da chính là một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh đái tháo đường. Theo thời gian, tình trạng da hoàn toàn có thể trở nên tồi tệ hơn thậm chí phát sinh những vấn đề mới. Điều này đều phụ thuộc vào tình trạng và mức độ gia tăng của bệnh.

Ảnh minh họa

Hiện nước ta có 5,5 triệu người mắc đái tháo đường, trong đó có tới hơn 60% người dân không biết mình bị mắc bệnh. Đái tháo đường được có nguy cơ gây ra gánh nặng bệnh tật gấp 20 - 40 lần so với những bệnh lây nhiễm khác. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa, suy thận, gây cụt chi chỉ sau tai nạn giao thông, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, bất lực, rối loạn nhận thức, giảm tuổi thọ và chất lượng cuộc sống.

Các bác sĩ cảnh báo, khi cơ thể xuất hiện 5 dấu hiệu dưới đây hãy cảnh giác với bệnh tiểu đường. Cần được thăm khám, chẩn đoán và điều trị tiểu đường kịp thời:

Các vùng da sẫm màu
Các mảng da ở sau cổ, nách, bẹn hoặc một số vùng khác có thể trở nên sẫm màu thường được gọi là bệnh gai đen do lượng insulin trong máu tăng cao. Đây thường là dấu hiệu của bệnh tiền tiểu đường.

Ảnh minh họa

Da dày và cứng
Bệnh tiểu đường có thể khiến các vùng da trên cơ thể trở nên dày và cứng. Nếu xuất hiện ở mu bàn tay, bệnh nhân sẽ nhận thấy da căng lên, cứng như sáp. Các ngón tay cũng trở nên khó di chuyển. Tình trạng này sẽ nặng dần theo thời gian, lan dần lên vùng cẳng tay và cánh tay. Đôi khi da ở vùng lưng, vai, cổ, ngực và mặt có thể bị ảnh hưởng.

Một số trường hợp hiếm gặp, da ở đầu gối, mắt cá chân hoặc khuỷu tay cũng sẽ dày lên, gây khó khăn cho việc duỗi thẳng chân và mũi chân hoặc gập cánh tay.
Nhiễm trùng da
Bệnh tiểu đường khiến người mắc bệnh dễ bị nhiễm trùng da hơn bình thường. Nhiễm trùng da thường được biểu hiện bởi các triệu chứng như da nóng, sưng, đau, phát ban ngứa, nổi mụn nước li ti, da khô đóng vảy hoặc tiết ra dịch có màu trắng đục. 

Tình trạng nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất kỳ vùng da nào, bao gồm cả kẽ chân, xung quanh móng tay hoặc da đầu. Phụ nữ mãn kinh thường xuyên bị nhiễm nấm âm đạo có nguy cơ cao đã mắc tiền tiểu đường hoặc tiểu đường.

Mụn thịt, u mềm
Nhiều người bị tiểu đường xuất hiện các mụn thịt có cuống trên mí mắt, cổ, nách và bẹn. Dù vô hại nhưng tình trạng này là một trong những dấu hiệu cho thấy lượng insulin trong máu tăng cao hoặc nguy cơ tiểu đường tuýp hai.

Vết loét và vết thương hở

Lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến tuần hoàn kém và tổn thương thần kinh. Bạn có thể phát triển tình trạng này nếu mắc bệnh tiểu đường không kiểm soát hoặc kiểm soát kém trong thời gian dài. 

Lưu thông kém và tổn thương dây thần kinh khiến cơ thể khó chữa lành vết thương, đặc biệt ở bàn chân. Những vết thương hở này được gọi là vết loét do tiểu đường.