Ảnh minh họa

Bên cạnh các biện pháp làm loãng và tống thải đờm tại nhà như uống nhiều nước, xịt rửa mũi, xông hơi nước ấm, máy bù ẩm không khí, thuốc tiêu/loãng đờm,... thì các loại thực phẩm cũng có thể giúp tiêu đờm nhanh - bên cạnh đó cũng hỗ trợ nâng cao thể chất để nhanh hồi phục.

1. Ăn gì để tiêu đờm nhanh hơn?

Lưu ý là không có một chế độ ăn kiêng nào giúp bạn loại bỏ đờm hay chất nhầy khi bị bệnh ngay lập tức. Bạn cần kết hợp các biện pháp khác và tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ để có hiệu quả tốt nhất.

- Súp nóng

Một bát súp nóng như súp gà có thể đem lại nhiều lợi ích, đặc biệt là khi bạn muốn loại bỏ đờm hay dịch nhầy. Theo Cleveland Clinic thì nước hầm được thêm vào làm súp rất giàu dinh dưỡng, thúc đẩy long đờm và giảm tắc nghẽn khi bị cảm lạnh. Súp gà giúp làm chậm chuyển động của bạch cầu trung tính trong cơ thể - loại bạch cầu này đóng vai trò là chất chống viêm nhiễm quan trọng - khi di chuyển chậm lại sẽ giúp chúng ở lại nơi xuất hiện nhiễm trùng lâu hơn.

Súp nóng cũng là một món ăn giúp làm dịu đường thở khi ho. Mayo Clinic cũng cho biết, khi đường hô hấp bị kích thích bởi những cơn ho thì một bát súp nóng cũng giúp duy trì độ ẩm cần thiết để giảm kích ứng.

Một bát súp nóng như súp gà có thể đem lại nhiều lợi ích, đặc biệt là khi bạn muốn loại bỏ đờm hay dịch nhầy (Ảnh: ST)

- Nước, trà nóng

Tương tự như súp nóng thì nước lọc, trà và các thức uống bổ sung nước khác có thể làm loãng đờm trong họng và phổi, đồng thời ngăn ngừa tình trạng mất nước.

- Thực phẩm giàu axit béo omega-3

Theo Viện Y tế Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH) thì axit béo omega-3 là chất béo không bão hòa có thể có tác động tích cực tới mức độ viêm nhiễm trong cơ thể (bao gồm cả mức độ chất nhầy hay đờm). Các thực phẩm giúp loãng chất nhầy và đờm có chứa omega-3 bao gồm:

+ Các loại cá béo như cá hồi, cá trích và cá mòi

+ Óc chó

+ Hạt lạnh và dầu hạt lanh

+ Đậu nành và dầu đậu nành

+ Hạt chia

+ Hạt bí.

Cá hồi giàu omega-3 thích hợp để bổ sung vào chế độ ăn giúp giảm đờm, dịch nhầy (Ảnh: ST)

- Thực vật họ Allium (chi hành)

Các thực vật họ Allium bao gồm tỏi, hành lá, hành tây, hẹ tây. Theo Livestrong, họ thực vật này có chứa các đặc tính chống viêm giúp giảm việc tăng tiết nhầy và đờm quá mức.

Các thực vật họ Allium bao gồm tỏi, hành lá, hành tây, hẹ tây (Ảnh: ST)

- Thức ăn có vị cay

Theo Healthline, những thực phẩm có tính cay như chanh, gừng, tỏi, ớt có thể hỗ trợ giảm triệu chứng trong điều trị cảm lạnh, ho và đờm hoặc chất nhầy tiết quá mức. Nhóm thực phẩm này có chứa capsaicin giúp thông xoang và đẩy dịch ra ngoài một cách tạm thời.

2. Cần tránh những thực phẩm gây tăng tiết đờm, chất nhầy nào?

Ngoài các thực phẩm giúp tiêu bớt đờm thì theo Livestrong, dưới đây là những thực phẩm mà bạn cần tránh nếu không muốn cơ thể tăng sản xuất đờm dư thừa:

- Thực phẩm giàu histamine

Theo một nghiên cứu trên tạp chí Nutritions vào tháng 4 năm 2021 thì những thực phẩm giàu histamine hoặc có tác dụng thúc đẩy cơ thể sản xuất histamine đều có thể tăng sản xuất dịch nhầy dư thừa. Tuy vậy thì trường hợp này thường gặp ở người nhạy cảm hoặc không dung nạp histamine, nguyên nhân được cho là kết quả của sự thiếu hụt enzyme trong ruột.

Các thực phẩm có hàm lượng histamine cao bao gồm:

+ Cá ngừ, cá thu, cá chó (Northern pike)

+ Rau bina

+ Mayonaise

+ Các sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa, bơ, kem (ít phổ biến)

+ Thịt chế biến

+ Các thực phẩm lên men như rượu, sữa chua, dưa muối.

- Thực phẩm siêu chế biến

Theo một nghiên cứu vào tháng 6 năm 2018 trên ‌Microorganisms thì các thực phẩm siêu chế biến với lượng lớn chất phụ gia như khoai tây chiên, xúc xích, thịt xông khói có thể khiến chất nhầy sản xuất nhiều hơn.

- Sô cô la

Theo Harvard Health Publishing thì món tráng miệng như sô cô la được xếp vào nhóm có thể gây tăng tiết chất nhầy, đặc biệt nếu bạn bị trào ngược axit dạ dày thực quản hay trào ngược axit dạ dày thanh quản.

- Cà phê, rượu và đồ uống có gas

Các loại đồ uống này giống như một chất lợi tiểu và có thể dẫn tới đầy bụng, ợ hơi khiến chất nhầy và đờm bị đẩy lên và đặc hơn.

3. Các biện pháp giúp giảm đờm, tiêu chất nhầy khác

Ngoài thực phẩm thì bạn có thể thực hiện các biện pháp giảm đờm và chất nhầy tại nhà như sau:

- Sử dụng máy tạo độ ẩm để làm ẩm không khí xung quanh. Đảm bảo rằng bạn luôn vệ sinh máy tạo độ ẩm và thay nước mỗi ngày tránh tạo môi trường cho vi sinh vật phát triển

- Nước muối để xịt mũi giúp làm ẩm mũi và giảm các triệu chứng của nhiễm trùng xoang (viêm xoang mũi)

- Súc miệng bằng nước muối, chú ý ngửa cổ để nước muối xuống phía sau cổ họng

- Uống đủ nước, đặc biệt là nước ấm sẽ giúp đờm và chất nhầy được tống thải ra ngoài nhanh hơn cũng giúp cho đường hô hấp được làm dịu

- Sử dụng tinh dầu khuynh diệp để làm loãng chất nhầy, thêm dầu khuynh diệp vào máy khuếch tán để có hiệu quả

- Tránh xa khói thuốc lá, môi trường ô nhiễm hay hóa chất độc hại.

Ngoài ra, thì thuốc giảm đờm, thuốc xịt thông mũi có thể được chỉ định nếu các biện pháp tại nhà không đem lại hiệu quả. Đặc biệt nếu bạn bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm phế quản,... thì việc có đờm đặc sẽ khiến việc hô hấp gặp khó khăn, gây khó thở và các ảnh hưởng tới sức khỏe khác. Cần thăm khám bác sĩ để có các chỉ định phù hợp nếu tình trạng có đờm kéo dài trên 1 tháng kèm ho ra máu, đau tức ngực, thở hụt hơi hay khò khè.