Từ xưa đến nay, mọi người đều quan niệm rau củ đã nảy mầm sẽ không tốt cho sức khỏe. Trong các loại rau củ, gần như chỉ có khoai tây mọc mầm là có độc tố, còn các lọai rau củ khác thì không gây hại cho sức khỏe.

Theo một nghiên cứu đã đăng trên Tạp chí Hóa học Nông nghiệp và Thực phẩm của Hội hóa học Hoa Kỳ, những củ tỏi đã nảy mầm 5 ngày sẽ có hoạt tính chống oxy hóa cao hơn tỏi chưa mọc mầm và tạo ra những chất dinh dưỡng khác có lợi cho cơ thể.

Công dụng của tỏi đã mọc mầm với sức khỏe

Ngừa ung thư

Trong tỏi nảy mầm có chứa nhiều phytochemical, hợp chất ngừa ung thư hiệu quả. Ảnh minh họa: Internet

Tỏi nảy mầm có chứa nhiều chất phytochemical. Đây là hợp chất giúp hỗ trợ sức đề kháng, ngăn chặn sự lây lan của các tế bào ung thư ác tính, ức chế các loại vi rút, vi khuẩn và giảm tác động của các tế bào tự do có hại cho cơ thể.

Theo các nghiên cứu khoa học, thực vật rất nhạy cảm với việc bị vi khuẩn và côn trùng tấn công trong quá trình nảy mầm. Do đó, để bảo vệ mình khỏi sự gây hại từ bên ngoài, chúng sẽ sản sinh ra hợp chất phytoalexin; chất này tuy có hại với côn trùng và vi sinh vật nhưng lại rất có lợi cho sức khỏe con người.

Tốt cho tim mạch

Nhờ vào hàm lượng hoạt chất chống oxy hóa tốt cho tim mạch cao gấp 5 lần tỏi tươi nên tỏi đã nảy mầm sẽ đẩy mạnh hoạt động của enzym và ngăn chặn hình thành các mảng bám trong tĩnh mạch, ngừa tắc nghẽn và bảo vệ cơ thể khỏi cơn đau tim hữu hiệu.

Ngừa đột quỵ

Chất anjoene được tìm thấy nhiều trong tỏi đã nảy mầm, đây là hoạt chất ngăn sự hình thành của các cục máu đông. Bên cạnh đó, nitrit có trong tỏi lên mầm còn có công dụng làm giãn nở động mạch, giúp lưu thông máu. Cả hai hợp chất này khi kết hợp với nhau sẽ ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ.

Chống lão hóa

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỏi nảy mầm sẽ ngăn chặn sự hình thành và xuất hiện nếp nhăn, giảm sự suy thoái của các cơ quan trong cơ thể, từ đó ngăn ngừa lão hóa.

Tăng cường hệ miễn dịch

Tỏi đã nảy mầm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ảnh minh họa: Internet

Nếu bạn đang phải đối mặt với tình trạng cảm cúm, ngộ độc thức ăn như tiêu chảy, đau bụng thì ăn tỏi đã mọc mầm sẽ giúp "đánh bay" các triệu chứng trên.

Lưu ý khi ăn tỏi

Không ăn tỏi khi dạ dày đang trống

Nếu bạn ăn tỏi khi dạ dày đang trống thì sẽ gặp phải những triệu chứng tương tự như bị loét dạ dày. Trong tỏi có chất allicin sẽ gây nên cảm giác nóng trong bụng. Do đó, bạn nên kết hợp tỏi cùng các thực phẩm khác hoặc chỉ ăn khi bụng đã no để tránh những tác dụng phụ không mong muốn.

Cách ăn tỏi sống đúng cách

Các hoạt chất trong tỏi kém bền vững ở môi trường nhiệt độ nên ăn tỏi sống sẽ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn nấu chín. Tỏi sống muốn phát huy hết tác dụng thì nên cắt ra thành từng tép, để lát tỏi tiếp xúc với không khí chừng khoảng 10-15 phút. Khi tỏi kết hợp với điều kiện không khí thì mới sản sinh ra chất ngừa bệnh ung thư.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một người lớn chỉ nên dùng từ 2-5g (1 nhánh) tỏi tươi mỗi ngày, 300-1000mg chiết xuất tỏi hoặc 0,4-1,2g bột tỏi khô để đảm bảo tối đa tác dụng tỏi mang lại.