4 người trong gia đình ở Hà Nội nhập viện sau khi ăn canh cua, chuyên gia chỉ những kiểu ăn sai vô cùng nguy hiểm
Ngày 14/6, trên mạng xã hội chia sẻ thông tin về việc một gia đình 4 người, đang sinh sống tại Hà Nội đã phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn bữa cơm có món canh cua. Ban đầu, chỉ có người bố 39 tuổi, và con gái 17 tuổi nhập viện, sau đó khoảng 30 phút, con trai và người mẹ cũng phải đi cấp cứu. Tại bệnh viện, sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, các bác sĩ chẩn đoán cả 4 người đều bị ngộ độc thực phẩm. Sau 3 ngày điều trị bệnh viện, 4 bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.
Theo chia sẻ từ gia đình, trước khi nhập viện, họ đặt cỗ ở ngoài về ăn, trong đó có món canh cua. Đặc biệt, người chồng 39 tuổi trong bữa ăn đó chỉ ăn nguyên canh cua và phải nhập viện đầu tiên, 3 người còn lại ăn nhiều món khác nhau (gồm canh cua) cũng nhập viện sau đó.
Canh cua là món ăn được nhiều người ưa thích vào mùa hè và chứa nhiều dinh dưỡng, tuy nhiên nếu bảo quản không đúng cách, nguồn thực phẩm bị nhiễm khuẩn thì nguy cơ ngộ độc rất cao. Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông Dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) chỉ ra một số điều cần tránh khi chế biến canh cua để tránh ngộ độc. Cụ thể:
- Tuyệt đối không ăn gỏi cua hay uống nước cua sống hoặc ăn canh cua chưa được nấu chín hẳn vì ngoài nguy cơ ngộ độc cao còn dễ bị ký sinh trùng (sán lá phổi) xâm nhập vào cơ thể.
- Không chế biến cua đồng đã chết vì trong cua đồng chết có chất histidine gây dị ứng nổi mề đay, ngứa ngáy, nôn nao, đau đầu, chóng mặt, bị ngộ độc (đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy và một số vấn đề xấu khác đối với sức khỏe…).
- Không để canh cua qua đêm hay nấu đi nấu lại nhiều lần. Cua chứa nhiều đạm và các vitamin, canh thừa từ bữa trước, kể cả đã được bảo quản trong tủ lạnh, cũng dễ bị vi khuẩn xâm nhập, thậm chí nấu lại vẫn có thể gây ngộ độc.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia về Công nghệ thực phẩm cũng khuyến cáo, khi ăn canh cua tốt nhất không nên mua sẵn cua đã xay vì người bán dễ xay cả cua chết, dễ gây ngộ độc. Đặc biệt, việc ăn canh cua ngoài quán hoặc đặt sẵn mang về cũng không nên vì những lý do sau:
- Người bán có thể dùng cua chết xay, lọc lấy nước để nấu thành canh;
- Để tăng lợi nhuận, một số cơ sở có thể có thể trộn thêm phụ phẩm không đảm bảo vào món canh cua;
- Quán hàng có thể dùng canh cua thừa bữa trước, hoặc từ hôm trước nấu lại bán cho khách. Có thể canh chưa có mùi chua, thiu nhưng vẫn bị vi khuẩn tấn công và có những loại không bị tiêu diệt bởi nhiệt độ.
“Chỉ cần gặp một trong số những lý do trên là người ăn có thể đã bị ngộ độc. Do vậy, một lần nữa tôi khuyên mọi người nên tự tay chọn cua tươi sống, về tự chế biến và nấu vừa đủ ăn là tốt nhất”, ông Thịnh nói.
Bạn có biết ăn nấm đúng cách có thể mang lại những lợi ích gì?
Món ăn từ nhiều loại nấm không chỉ ngon miệng mà còn mang lại chất dinh dưỡng phong phú. Ăn nấm thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe, nhưng ăn bao nhiêu là đủ?
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn ăn dứa mỗi ngày?
Dứa, một loại quả mọng chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, nhưng nếu ăn mỗi ngày có tốt không?
Top những thực phẩm ‘vàng’ giúp cơ thể khỏe mạnh khi thời tiết giao mùa
Những ngày thời tiết thay đổi, bạn nên tích trữ nhiều hơn những thực phẩm này trong nhà. Chúng có thể giúp cả nhà bạn khỏe mạnh đấy nhé!
Điều gì xảy ra với cơ thể bạn khi bạn ăn cà rốt thường xuyên
Cà rốt là một loại rau bổ dưỡng, tiện lợi, đa năng và ăn cà rốt thường xuyên rất tốt cho sức khỏe của xương, mắt, giảm mức cholesterol, giảm nguy cơ ung thư.