1. Ảnh hưởng của lạc nội mạc tử cung đến chất lượng cuộc sống

Lạc nội mạc tử cung là căn bệnh phụ khoa phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Dấu hiệu điển hình của lạc nội mạc tử cung là những cơn đau bụng trước kỳ kinh nguyệt, trong kỳ kinh nguyệt, thậm chí kéo dài cho đến nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt.

Ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng như đau lưng, đau khi quan hệ tình dục, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy…

Lạc nội mạc tử cung tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không được điều trị có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Lạc nội mạc tử cung thường gây cơn đau bụng khó chịu.

Theo BSCKI Hoàng Hường, chuyên gia Sản phụ khoa, lạc nội mạc tử cung là trường hợp các tế bào niêm mạc tử cung đi lạc chỗ, vào sâu trong lớp cơ của thành tử cung hoặc ra ngoài tử cung như ở buồng trứng, màng bụng, thành ruột…

Các tế bào có nguồn gốc là niêm mạc tử cung nên nó cũng biến đổi theo chu kỳ dưới ảnh hưởng của nội tiết buồng trứng và cũng gây chảy máu giống như kinh nguyệt, từ đó gây đau.

Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể diễn biến nặng hơn dẫn đến tổn thương vòi trứng, gây dính vòi trứng hay cản trở sự phóng noãn, tắc vòi tử cung… gây khó khăn cho việc thụ thai.

Mục tiêu điều trị lạc nội mạc tử cung dựa trên nhu cầu của bệnh nhân kết hợp với điều trị giảm đau, hạn chế tiến triển và ngăn ngừa tái phát nhằm đảm bảo khả năng sinh sản và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

2. Dinh dưỡng có giúp cải thiện triệu trứng lạc nội mạc tử cung hay không?

Mặc dù chế độ ăn uống không phải là biện pháp điều trị lạc nội mạc tử cung, nhưng nó có thể giúp hỗ trợ cải thiện triệu chứng và hạn chế tiến triển của bệnh.

Thực phẩm có thể ảnh hưởng đến lượng hormone, tình trạng viêm và cân nặng. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến sự tiến triển và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Do đó, việc áp dụng một số điều chỉnh trong chế độ ăn uống có thể hỗ trợ giảm viêm và kiểm soát cơn đau.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều thịt đỏ, đường và thực phẩm giàu chất béo chuyển hóa có thể làm tăng tình trạng viêm nhiễm, làm cho các triệu chứng lạc nội mạc tử cung trầm trọng hơn.

Lượng chất béo chuyển hóa hấp thụ cao hơn cũng có liên quan đến khả năng phát triển bệnh lạc nội mạc tử cung cao hơn. Ngược lại, chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải giàu axit béo omega-3, chất xơ, trái cây và rau giàu chất chống oxy hóa có thể giúp giảm viêm và cải thiện các triệu chứng lạc nội mạc tử cung.