Hàng năm tại Mỹ có hàng nghìn người quyết định từ bỏ thịt đỏ, cuối cùng họ nhận ra rằng nó đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Nhiều người cho rằng bỏ ăn thịt sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt một lượng protein nghiêm trọng, xong thực tế có rất nhiều thực phẩm còn giàu protein hơn cả thịt như rong biển, đậu nành, sữa chua, phô mai, hạt bí đỏ... Hơn nữa, các loại protein từ thực vật còn cực kỳ tốt cho quá trình trao đổi chất và tiêu hóa của bạn, giúp bảo vệ bạn khỏi bệnh tật.

Nếu bạn đang thắc mắc xem nếu mình bỏ ăn thịt trong 30 ngày, cơ thể sẽ có những thay đổi gì, thì dưới đây là câu trả lời.

30 ngày bỏ ăn thịt, cơ thể sẽ xuất hiện 8 sự thay đổi bất ngờ

1. Ban đầu bạn có thể cảm thấy đói

Trong một hoặc hai tuần đầu tiên kể từ khi bỏ ăn thịt, về mặt tâm lý, bạn có thể cảm thấy như mình vẫn còn đói.

"Ngay cả khi bạn đã tiêu thụ tất cả các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần như protein, carbohydrate và calo, bạn vẫn có thể cảm thấy không no", bác sĩ tim mạch Nishant Kalra, làm việc tại Michigan cho hay.

Lý do bởi bạn đã quen với việc ăn nhiều thịt hơn rau, giờ chuyển sang ăn chủ yếu là rau sẽ khiến cơ thể cảm thấy như chưa được ăn món chính. Hơn nữa, các chế độ ăn thuần chay có thể ít chất béo và protein hơn, vì thế có thể sẽ mất cảm giác thỏa mãn sau ăn.

Tuy nhiên, bác sĩ Kalra nhấn mạnh rằng cơ thể chúng ta sẽ quen với cách ăn uống mới trong một vài tuần. Các loại thực phẩm như bơ, các loại hạt, quinoa, đậu lăng và đậu phụ là những thực phẩm chay chứa nhiều protein sẽ giúp bạn no lâu.

2. Cơ thể sẽ giảm cân rõ rệt

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng cho biết: Những người thực hiện chế độ ăn thuần chay giảm trung bình 3,4kg sau 1 tháng.

Hơn nữa, một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Y học Nội khoa cho thấy nếu bạn ăn nhiều loại rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và đậu, việc giảm cân có thể dễ dàng hơn so với việc bạn tuân theo các chế độ khác.

3. Cơ thể bạn sẽ giảm lượng cholesterol

Bên cạnh việc giảm cân, bạn có thể sẽ thấy lượng cholesterol của mình giảm rõ rệt.

Hầu như việc tập thể dục và chế độ ăn uống của bạn cũng sẽ ảnh hưởng đến mức cholesterol. Một phân tích tổng hợp được công bố trên tạp chí Nutrition Reviews cho thấy rằng chế độ ăn chay dựa trên thực vật có liên quan đến mức cholesterol toàn phần thấp hơn so với chế độ ăn thịt.

4. Bạn sẽ có đường ruột sạch hơn

Chuyên gia dinh dưỡng Susan Tucker cho biết, ruột của người không ăn thịt sẽ sạch hơn ruột của người tiêu hóa thịt hàng ngày.

Tại sao lại như vậy? Là bởi hầu hết thịt đến từ động vật được tiêm hormone và kháng sinh. Sau đó, nó được xử lý bằng chất bảo quản, nếu không thịt sẽ ôi thiu rất nhanh. Trong khi đó, người ăn rau sẽ tiêu thụ một lượng lớn chất xơ, chất dinh dưỡng thực vật và chất chống oxy hóa, giúp giữ cho toàn bộ hệ thống đường ruôt sạch hơn.

Chuyên gia dinh dưỡng Keri Glassman, cho biết thêm rằng: Những người ăn nhiều rau được phát hiện có tỷ lệ truyền tín hiệu insulin không đúng thấp hơn, dẫn đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Chất xơ cũng hoạt động giống như một chiếc chổi quét sạch mầm bệnh trong ruột.

5. Da của bạn sẽ sáng lên

Làn da không chỉ là nơi phơi bày sắc đẹp mà nó còn phản ánh tình hình tiêu hóa của ruột. Những người bỏ thịt, ăn nhiều rau sẽ có khả năng làm đẹp da hơn.

Chuyên gia dinh dưỡng Susan Tucker cho biết: “Nhiều người thấy rằng mụn trứng cá, bệnh chàm biến mất khi họ từ bỏ thịt. Các chất chống oxy hóa, chất xơ và khoáng chất trong chế độ ăn uống giàu thực vật giúp hệ thống giải độc hàng ngày, góp phần làm cho làn da khỏe mạnh hơn".

6. Nhưng bạn cũng có thể cảm thấy đầy hơi, chướng bụng

Tăng đột ngột lượng chất xơ (thông qua trái cây, rau, đậu và ngũ cốc nguyên hạt) có thể khiến bạn bị đầy hơi và chướng bụng. Để hạn chế điều này, bạn có thể giảm dần thịt ra khỏi chế độ ăn và tăng dần đều các loại thực phẩm đặc biệt giàu chất xơ.

7. Giúp cơ thể phòng bệnh ung thư tốt hơn

Theo Healthline, hạn chế một số loại thịt cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Ăn nhiều thịt đỏ và thịt đã qua chế biến, chẳng hạn như thịt xông khói, xúc xích có liên quan đến nguy cơ phát triển ung thư đại trực tràng cao hơn.

Ăn thịt đỏ và thịt chế biến sẵn cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư vú.

 

Làm thế nào những thực phẩm này ảnh hưởng đến sự phát triển ung thư là không rõ ràng. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu đã gợi ý rằng chất béo bão hòa và các hợp chất gây ung thư được tạo ra trong quá trình chế biến thịt và nấu nướng ở nhiệt độ cao.

Mặt khác, các món từ thực vật dường như có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại bệnh ung thư tốt hơn. Một nghiên cứu thực hiện trên 77.000 người trưởng thành đã phát hiện ra rằng chế độ ăn chay (vẫn bao gồm cả cá và thịt trắng), giúp cho những người tham gia có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng thấp hơn.

8. Hệ thống miễn dịch suy giảm

Chế độ ăn uống kiêng thịt thường không có chứa vitamin B12 - chất chỉ được tìm thấy trong các sản phẩm từ động vật. Nếu không có nó, cơ thể sẽ có nguy cơ mệt mỏi cao hơn và hệ thống miễn dịch có thể bị suy yếu mặc dù "thiếu vitamin B12 toàn diện không còn phổ biến trong xã hội ngày nay.

Vậy ăn uống như thế nào là tốt nhất cho sức khỏe?

Kiến nghị của rất nhiều nghiên cứu cho thấy: Chế độ ăn tốt nhất đối với cơ thể là ăn nhiều rau, ít thịt đỏ, vẫn có thịt trắng. Ngoài ra cần bổ sung thêm các loại đậu và cá giàu chất béo omega-3, có tác dụng giảm cao huyết áp.