Nhập viện vì đau đầu

Trường hợp của bệnh nhân Đỗ Gia H. (Thanh Sơn, Phú Thọ) vào viện vì đau đầu dữ dội kèm theo buồn nôn. Trước đó, H. đi đá bóng nhưng khi ra tới sân bóng H. cảm thấy đau đầu nên về nhà. Về nhà nằm nghỉ nhưng tình trạng đau đầu dữ dội kèm nôn ói.

Cả gia đình cạo gió, đánh cảm cho H. nhưng triệu chứng không hết. H. được gia đình đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Sơn. Bác sĩ nghi ngờ có dấu hiệu bệnh ở não nên giới thiệu gia đình chuyển lên tuyến trên.

Tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, bác sĩ nhanh chóng chụp MRI và phát hiện H. bị xuất huyết não do dị dạng mạch máu não. Đây là bệnh lý bẩm sinh, là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ ở người trẻ.

Các bác sĩ nhanh chóng thực hiện cấp cứu theo phác đồ đột quỵ do xuất huyết não. Sau 15 tiếng cấp cứu, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu - Ảnh minh họa: Internet

Trường hợp bệnh nhân Vũ Thị Th. (61 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) được gia đình đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu. Bệnh nhân Th., có tiền sử cao huyết áp nhưng khoảng 1 tháng nay thấy người khỏe hơn, huyết áp ổn định nên bà Th. không uống thuốc.

Khi cả nhà đang ăn cơm tối, bà Th. đột nhiên xuất hiện cơn đau đầu, nằm nghỉ một lúc thì con gái thấy bà Th. nói ngọng, miệng hơi méo. Ngay lập tức, bà Th. được đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán bà Th. bị đột quỵ não. Sau khi sử dụng thuốc tiêu sợi huyết, chỉ 24 giờ sau bà Th. tỉnh táo hơn.

Bà Th. may mắn vì vào viện cấp cứu kịp thời, giảm các biến chứng, di chứng do đột quỵ gây ra.

Đột quỵ cực kỳ nguy hiểm

Theo GS Phạm Gia Khải, nguyên cCủ tịch Hội tim mạch học Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân gây ra tử vong hàng đầu ở thế giới, trung bình cứ 3 phút lại có 1 ca tử vong do đột quỵ. Bệnh đột quỵ được xem là căn bệnh tiến triển nhanh, tử vong cũng rất nhanh. Các bác sĩ thường coi đây là căn bệnh chết bất đắc kỳ tử, người bệnh không kịp trăng trối với người thân.

Những người có nguy cơ đột quỵ là người mắc đái tháo đường, người mắc các bệnh lý tim mạch, bị tăng huyết áp. Những người bị tăng huyết áp gây gia tăng sức ép lên thành động mạch, lâu dần khiến thành động mạch bị tổn thương dẫn đến xuất huyết não. Ngoài ra, cao huyết áp còn tạo điều kiện cho các cục máu đông hình thành, cản trở quá trình lưu thông máu lên não gây ra đột quỵ nhồi máu não.

Các dấu hiệu của đột quỵ - Ảnh minh họa: Internet

Những người bị rối loạn lipit do hàm lượng Cholesterol cao có thể tích tụ trên thành động mạch, tạo thành vật cản gây tắc nghẽn mạch máu não. Những người hút thuốc lá cũng có nguy cơ đột quỵ cao hơn người bình thường. Đặc biệt, hiện nay lối sống lười vận động, ăn uống nhiều chất béo, chất bột đường gia tăng tỷ lệ béo phì cũng là nguyên nhân khiến bệnh đột quỵ gia tăng.

Đối với những bệnh nhân bị đột quỵ, thời gian vàng để chẩn đoán và xử trí cấp cứu có hiệu quả chỉ được giới hạn trong phạm vi 3 - 6 giờ đầu sau đột quỵ. Sau 6 giờ vàng đó, bệnh nhân có tỉ lệ tử vong cao hoặc nguy cơ bị liệt là rất lớn. Chính vì thế, dấu hiệu nhận biết bệnh nhân đột quỵ mọi người đều phải biết:

Theo GS Khải, ba nguyên tắc C-N-G, những người xung quanh chỉ cần bằng cách hỏi bệnh nhân 3 câu đơn giản sau:

  • C : Bảo người đó cười, cười méo miệng là dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ
  • N : Bảo người đó nói, có thể nói những A, những câu đơn giản nếu nói không mạch lạc, méo tiếng cần nghi ngờ dấu hiệu đột quỵ.
  • G: Giơ tay lên. Giơ lần lượt hai tay trái và tay phải qua đầu.

Nếu không giơ tay lên được qua đầu, đó là dấu hiệu đột quỵ vì bệnh nhân đã liệt nửa người. Khi bệnh nhân có một trong số 3 dấu hiệu trên, hãy gọi cấp cứu ngay và mô tả các triệu chứng cho người điều động cấp cứu. Tuyệt đối không sơ cứu chọc kim vào 10 đầu ngón tay, cho uống thuốc, hay cho uống sữa. Tất các các biện pháp sơ cứu trong đột quỵ chỉ làm trì hoãn thời gian cấp cứu bệnh nhân.

Để phòng đột quỵ, người bệnh nên ăn nhiều các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc, ăn nhiều thịt trắng, hải sản, trứng để bổ sung protein cho cơ thể, hạn chế ăn các loại thịt đỏ, thực phẩm giàu chất béo, thực phẩm chế biến sẵn.