Sáng 14/10, tại Hội nghị Khoa học Tiêu hóa lần thứ 8 do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức, Phó giáo sư Nguyễn Công Long - Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai đã cho biết, hiện nay tỷ lệ ung thư tiêu hóa ngày càng tăng. Ở giai đoạn sớm, ung thư đường tiêu hóa thường không có triệu chứng. Đa số các trường hợp đều chỉ được phát hiện ở giai đoạn muộn. Trong khi đó, nếu được chẩn đoán sớm, người bệnh có thể điều trị triệt căn, chi phí điều trị thấp. 

Đường tiêu hóa bắt đầu từ khoang miệng, thực quản, dạ dày, gan, mật, tụy, ruột non, đại trực tràng. Các dấu hiệu ở cơ quan tiêu hóa trên gồm khó nuốt, đầy hơi, khó tiêu, trào ngược dạ dày, đau bụng, nôn khan và nôn ra máu kéo dài kèm theo mệt mỏi, sụt cân.

Với cơ quan tiêu hóa dưới là ung thư đại trực tràng, người bệnh có biểu hiện táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài, đại tiện ra máu, đau bụng, phân dẹt.

Phó giáo sư Long chia sẻ về ung thư đường tiêu hóa. Ảnh: P.V. 

Các hiện tượng trên có thể nhầm lẫn với các bệnh khác về đường tiêu hóa. Do vậy, khi có những bất ổn, người dân cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa ngay, hoặc tầm soát ung thư đường tiêu hóa ở giai đoạn sớm như làm các xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X-quang, nội soi, chụp PET/CT theo chỉ định của bác sĩ.

Phó giáo sư Long cho biết, tại Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày có hàng nghìn ca nội soi đường tiêu hóa trong đó có nhiều trường hợp phát hiện ung thư từ giai đoạn sớm. Khi đó, các bác sĩ sẽ “hớt” luôn tổn thương ung thư, người bệnh không cần phải nội soi thêm hoặc phẫu thuật mở.  

Với sự tiến bộ của kỹ thuật nội soi can thiệp bóc tách dưới niêm mạc, việc chẩn đoán và điều trị ung sớm  đường tiêu hóa có nhiều kết quả tốt. Trong giai đoạn niêm mạc đường tiêu hóa sản nặng, tiền ung thư, hoặc khối u còn khu trú ở lớp niêm mạc ống tiêu hóa, nếu được cắt dưới niêm mạc thì có thể chữa khỏi bệnh, kéo dài sự sống của bệnh nhân. 

Để phát hiện sớm tổn thương ung thư đường tiêu hóa, bác sĩ Long khuyến cáo các nhóm người cần tầm soát bệnh bao gồm:

- Có người thân trong gia đình từng mắc ung thư đường tiêu hóa

- Có chế độ sinh hoạt, ăn uống thiếu lành mạnh như thường xuyên hút thuốc, uống rượu bia, ăn nhiều đồ chiên rán, đồ cay nóng, mặn…

- Có các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư tiêu hóa bao gồm có polyp, bị viêm loét dạ dày/đại tràng, có vi khuẩn HP.

Thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai cùng với các bệnh viện khác đã phối hợp với những chuyên gia đầu ngành của Nhật Bản có nhiều bước hợp tác, nghiên cứu để nâng cao chất lượng chẩn đoán điều trị, áp dụng các phương pháp tiến bộ nhất để cứu chữa người bệnh.

Trong hội thảo kỳ này, chủ tọa cùng các báo cáo viên, học viên chia sẻ những ca lâm sàng phức tạp để cùng trao đổi kinh nghiệm xử lý và phác đồ điều trị một cách hiệu quả nhất.

 

Giáo sư, Tiến sĩ Đào Văn Long, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo Tiêu hóa, gan mật Việt Nam, cho biết thêm hiện nay ngành y tế ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, trong đó  có lĩnh vực nội soi. Đối với nội soi đường tiêu hóa dưới, AI giúp phát hiện polyp đại tràng rất tốt, đạt 95%. Hiện AI còn có khả năng phát hiện ung thư đường tiêu hóa trên. Hiện có những phần mềm giúp xác định ung thư, vị trí phẫu thuật hiệu quả.