Sử dụng đũa đã có dấu hiệu bị mốc

Aflatoxin là độc tố vi nấm sản sinh tự nhiên bởi một số loài Aspergillus (một loại nấm mốc). Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã phát hiện khoảng 16 loại Aflatoxin khác nhau, trong đó Aflatoxin B1 là loại mạnh nhất.

 

Sau khi vào cơ thể người hoặc động vật, Aflatoxin B1 chủ yếu được gan chuyển hóa thành một loại dẫn xuất khác, có khả năng gắn chèn với ADN nên gây ra đột biến gen. Nếu đột biến gen khiến tế bào phân chia không ngừng nghỉ thì sẽ khởi phát ung thư.

Aflatoxin đã được Tổ chức Y tế Thế giới liệt vào nhóm chất gây ung thư loại 1. Aflatoxin cũng là chất gây ung thư gan mạnh nhất mà con người từng biết.

Nhiều người chủ quan cho rằng, nấm mốc ở đũa chỉ cần rửa sạch là có thể sử dụng. Tuy nhiên, việc này chỉ làm trôi đi lớp nấm mốc bên ngoài. Trong khi đó, hệ thống sợi nấm rất lớn vẫn còn lại đã ăn sâu vào thân đũa, đồng thời chất độc cũng đã được sản sinh và tích tụ.

Một điều nguy hiểm là Aflatoxin khá bền với nhiệt độ. Một vài nghiên cứu cho rằng Aflatoxin bị phân huỷ hoàn toàn ở 160°C nhưng điều này hiện vẫn còn đang tranh cãi. Việc bền với nhiệt độ dưới 160°C có nghĩa là Aflatoxin vẫn tồn tại trong đũa ngay cả khi tiệt trùng đũa bằng nước sôi. 

Không vứt bỏ trái cây bị thối

Khi gặp trái cây có những vị trí nhỏ bị thối, nhiều người có thói quen cắt bỏ phần thối này và tiếp tục ăn phần còn lại.

 

Tuy nhiên, cần biết rằng, khi trái cây đã có hiện tượng thối, có nghĩa là các vi sinh vật như Penicillium và Aspergillus flavus có thể xâm nhập vào bên trong và sử dụng chất dinh dưỡng của trái cây để sản sinh ra độc tố, bao gồm cả Aflatoxin.

Các chất độc hại này không thể nhìn thấy bằng mắt thường và đương nhiên chúng không chỉ tồn tại ở khu vực bị thối rữa. Nếu tiêu thụ một lượng lớn lâu dài sẽ gây hại cho sức khỏe con người.

Không bật máy hút mùi khi nấu nướng

Một số phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi, nhưng lại không hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói. Các chuyên gia chỉ ra rằng, mầm mống ung thư trong trường hợp này có thể đến từ chính căn bếp của họ.

 

Theo đó, khi thực hiện các món rán, dầu được đun nóng đến điểm bốc khói. Lúc này, dầu bắt đầu bị phân hủy và sinh ra các chất hóa học, trong đó có acrolein, benzopyrene, crotonaldehyde…

Nếu nhà bếp thông gió kém, các chất độc hại có thể nhập vào cơ thể người nội trợ, dẫn đến các vấn đề về đường hô hấp.

Theo thống kê của Cơ quan nghiên cứu Ung thư quốc tế (GLOBOCAN), ước tính có hơn 18 triệu người mới mắc ung thư tính đến năm 2018, trong đó có hơn 9.5 triệu người đã tử vong. Tại Việt Nam, số ca mới mắc ung thư là trên 160.000 ca với gần 115.000 người đã tử vong vì căn bệnh này. Trong số họ, khoảng 70% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn (III hoặc IV), trong đó bao gồm cả các loại ung thư có thể dự phòng hoặc sàng lọc, phát hiện sớm.