Bánh mì là thực phẩm quen thuộc trong bữa sáng của người dân khắp nơi trên thế giới. Thực tế không chỉ ở Việt Nam mới có bánh mì mà nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn, Nhật cũng rất yêu thích món ăn này. Bánh mì có thể ăn kèm hoa quả, bơ sữa hay thịt nguội, xúc xích... món nào cũng rất thơm ngon và tiện lợi.

Tuy nhiên, không phải tiêu thụ bánh mì như thế nào cũng tốt, dưới đây là 2 loại bánh mì có thể chứa chất gây ung thư, cả 2 đều được Tổ chức Y tế Thế giới WHO cảnh báo nguy cơ gây bệnh từ lâu nhưng nhiều người vẫn rất chủ quan.

2 loại bánh mì có thể gây ung thư

1. Bánh mì đã bị mốc

Bánh mì chỉ bị mốc một phần thì có thể tiếp tục ăn không? Thực tế, có nhiều người vì muốn tiết kiệm nên đã loại bỏ phần mốc để ăn. Tuy nhiên, các chuyên gia của Úc mới đây cảnh báo rằng ăn bánh mì bị mốc, ngay cả những phần bánh không bị nấm mốc ảnh hưởng đáng kể, cũng là một trong những cách gây ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất.

Phần nấm mốc có thể tiết ra chất độc, trong đó có nhiều loại nấm mốc nhỏ đến mức mắt thường không thể nhìn thấy, nếu ăn phải rất dễ gây hại cho hệ miễn dịch, tổn thương gan và thận.

Khi bánh mì bị mốc chuyển thành màu xanh lá cây thì cần cảnh giác với việc phần mốc đó là nấm Aspergillus flavus - loại nấm sản sinh ra độc tố aflatoxin có khả năng gây bệnh ung thư gan. Aflatoxin được WHO xếp vào nhóm gây ung thư số 1 - là nhóm đầy đủ bằng chứng để khẳng định có gây ung thư cho con người.

2. Bánh mì bị nướng cháy đen

Theo tờ Healthline, acrylamide là một hợp chất thường được sử dụng để sản xuất nhiều loại sản phẩm gia dụng, bao gồm mỹ phẩm, đồ vệ sinh cá nhân, thuốc nhuộm, vải, giấy...

Tuy nhiên, acrylamide cũng có thể hình thành trong thực phẩm giàu tinh bột trong quá trình nấu nướng ở nhiệt độ cao như chiên và nướng. Nó xuất hiện do phản ứng hóa học giữa protein và đường, làm cho thực phẩm nấu chín có màu sẫm và mùi vị đặc biệt hơn. Trong đó, bánh mì nướng bị cháy cũng có thể chứa acrylamide.

Acrylamide trong chế độ ăn uống có liên quan đến một số tác động tiêu cực đến sức khỏe, bao gồm cả ung thư. Trên thực tế, vào năm 1994, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (một cơ quan trực thuộc WHO) đã phân loại acrylamide là chất có thể gây ung thư ở người.

Nhiều nghiên cứu trên động vật chỉ ra rằng tiêu thụ acrylamide với số lượng lớn có thể làm tăng sự phát triển của các khối u vú và tuyến giáp, cũng như góp phần vào ung thư nội mạc tử cung và u trung biểu mô tinh hoàn.

Hiện tại, vẫn chưa rõ chính xác acrylamide có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng ung thư ở người như thế nào. Tuy nhiên, chúng ta nên chủ động giảm lượng acrylamide để bảo vệ sức khỏe.

Để tránh cho bánh mì bị cháy, bạn có thể nướng chúng trong thời gian ngắn hơn. Việc cắt bỏ những phần bánh mì bị cháy cũng có thể giúp bạn hạn chế tiêu thụ acrylamide.

Lưu ý quan trọng khi ăn bánh mì

Bánh mì là món ăn sáng tiện lợi nhưng lại có chứa nhiều đường, nhiều chất béo... nếu lạm dụng dễ gây ra tiểu đường, cao huyết áp. Hơn nữa, các loại bánh mì, đặc biệt là các loại đóng gói từ siêu thị, chứa rất nhiều muối, vì thế những người mắc bệnh thận cần tránh ăn.

Không nên ăn bánh mì mỗi ngày mà chỉ ăn một vài lần trong tuần. Thay vào đó, bạn nên lựa chọn thực phẩm ăn sáng là trứng gà, rau củ, bột yến mạch, trái cây để đảm bảo cơ thể vẫn tràn đầy năng lượng mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu có thể, bạn nên sử dụng bánh mì đen thay vì bánh mì trắng bởi loại bánh mì này có nhiều chất xơ hơn, nhiều dinh dưỡng hơn và ít đường hơn.