Theo Insider, Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia Mỹ thông tin 800 loại thuốc trừ sâu đã được đăng ký tại Mỹ, một số được sử dụng với số lượng lớn và có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Dư lượng thuốc trừ sâu có liên quan đến nguy cơ béo phì, ung thư vú, mất trí nhớ cao hơn và những bất ổn khác.

Từ năm 2004, Nhóm Công tác môi trường (EWG), một tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục đích làm cho môi trường trong lành hơn, đã xếp hạng các sản phẩm phi hữu cơ dễ nhiễm thuốc trừ sâu nhất gọi là danh sách Dirty Dozen. EWG phân tích dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ.

Dâu tây có nguy cơ tồn dư lượng thuốc trừ sâu. Ảnh minh họa: Britannica

EWG cho biết: “Năm nay, chúng tôi xác định rằng 75% các sản phẩm tươi sống thông thường được lấy mẫu có dư lượng thuốc trừ sâu có khả năng gây hại. Nhưng đối với các mặt hàng trong Dirty Dozen, có tới 95% mẫu chứa thuốc trừ sâu”.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ thông tin trong các nghiên cứu trên người, một số loại thuốc trừ sâu có liên quan đến các vấn đề bao gồm sẩy thai, dị tật bẩm sinh và khuyết tật học tập hoặc phát triển ở trẻ em.

Theo CNBC, dâu tây và cải bó xôi một lần nữa chiếm lĩnh hai vị trí dẫn đầu trong danh sách năm nay. Hơn 90% dâu tây chứa dư lượng từ hai loại thuốc trừ sâu trở lên. Dâu tây đã đứng đầu danh sách từ năm 2021 đến nay. Nghiên cứu năm 2016 của Bộ Nông nghiệp Mỹ ghi nhận cải bó xôi có trung bình 7 loại thuốc trừ sâu, nhiều nhất là 3 loại thuốc diệt nấm và 1 loại trừ sâu.

Nho từ vị trí thứ 8 vào năm 2023 lên vị trí thứ 4 vào năm 2024. Giống như dâu tây, 90% mẫu nho cho kết quả dương tính với hai hoặc nhiều loại thuốc trừ sâu.

Danh sách 12 loại rau quả có lượng thuốc trừ sâu cao nhất (trên thị trường Mỹ):

1. Dâu tây

2. Cải bó xôi

3. Cải xoăn, cải rổ và cải xanh

4. Nho

5. Đào

6. Lê

7. Quả xuân đào

8. Táo

9. Ớt chuông

10. Cherry

11. Quả việt quất

12. Đậu xanh

Bạn nên rửa rau quả dưới vòi nước. Ảnh: Wwlp

Cách để làm sạch thực phẩm

 

Theo CDC Mỹ, hãy rửa tay và các vật dụng cần thiết trước khi sơ chế thực phẩm. Chuyên gia Carissa Galloway hướng dẫn thêm:

- Để rau quả dưới vòi nước lạnh trong bồn rửa

- Dùng khăn giấy hoặc bàn chải chuyên dụng để làm sạch rau quả

- Dùng khăn giấy lau khô sản phẩm nếu bạn chưa định ăn ngay. Các loại rau lá xanh cũng có thể làm khô bằng rổ quay rau.

Bạn không nhất thiết phải dùng baking soda hoặc giấm để làm sạch rau quả.

Nước rau muống luộc sẫm màu là do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật?

Rau muống luộc là món ăn rất quen thuộc với gia đình tôi. Tuy nhiên, nhiều lần tôi luộc rau thấy nước có màu sẫm hơn. Xin chuyên gia tư vấn nước rau xanh sẫm màu là rau chứa hóa chất thuốc trừ sâu, kích thích tăng trưởng đúng không? Xin cảm ơn! (Lê Thị Hà, Hà Đông, Hà Nội).

Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa, Hà Nội, tư vấn:

Rau muống là loại rau phổ biến ở nước ta, có nhiều giá trị dinh dưỡng, bổ sung chất xơ. Nước rau muống khi luộc có nhiều màu sắc khác nhau, màu vàng xanh, nâu đục, xanh đậm… Màu nước rau luộc thay đổi có thể do dư lượng canxi và magie, tạo tính kiềm hoặc do nguồn nước bạn dùng luộc rau. Rau tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật sẽ tạo ra mùi nồng, hôi, mùi thuốc hóa học, không tạo màu trên nước rau.

Nếu mua rau về luộc có màu sắc sẫm hơn, bạn không nên lo lắng. Bạn có thể chờ nước canh nguội, vắt thêm chanh trước khi ăn. Cốt chanh sẽ giúp nước canh trong hơn.

Để luộc rau ngon, bạn nên cho chút muối vào nước luộc. Khi nước sôi đủ 100 độ C, bạn cho rau vào trộn đều và đun to lửa, không đậy vung để rau xanh, chín đều.

Lưu ý, hiện nay một số vùng đất bị ô nhiễm khiến rau muống có thể nhiễm kim loại trong đó có nhiễm chì. Rau muống nhiễm chì có màu xanh đen, thân rau to, có vị chát. Do đó, bạn nên tìm mua rau có nguồn gốc rõ ràng. Tránh rau có ngọn non bấy, nhiều đọt vượt lên.

Rau Muống

Một số nhóm người cần kiêng ăn rau muống và nước canh: Bệnh nhân có tiền sử huyết áp thấp; huyết áp cao, nhịp tim chậm, uy nhược nặng, hư hàn. Người có vết thương, mụn nhọt đang trong quá trình lành, rau muống có thể làm sẹo lồi xấu. Rau muống cũng có thể làm ảnh hưởng đến tác dụng của một số loại thuốc Đông Y, đặc biệt là các thang thuốc có vị độc cần thiết để chữa bệnh (độc trị độc).