1. Trái cây tác động như thế nào đến lượng đường trong máu?

Trái cây có chứa một loại đường tự nhiên gọi là fructose. Khi chúng ta ăn fructose, gan sẽ nhanh chóng phân hủy nó, từ đó dẫn đến tăng lượng đường trong máu. Tuy nhiên, trái cây chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất vì thế nó có thể giúp làm chậm quá trình tiêu hóa đường cũng như ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến.

Vì đường fructose trong trái cây có kèm theo chất xơ nên nó sẽ không gây tăng đột biến lượng đường trong máu như khi ăn thực phẩm có thêm đường như bánh, kẹo, nước ngọt...

Ngoài ra, chất xơ còn được nghiên cứu chứng minh có nhiều lợi ích cho sức khỏe người bệnh đái tháo đường. Đặc biệt là những trái cây có vỏ ăn được như: táo, lê, anh đào và quả mọng có nhiều chất xơ nhất. Vì vậy, những người mắc bệnh đái tháo đường được bác sĩ khuyên nên bổ sung trái cây vào chế độ ăn uống hằng ngày.

Người bệnh đái tháo đường nên chọn loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp.

Theo ThS. BS. Nguyễn Thu Yên, chuyên gia Nội tiết - Đái tháo đường, trái cây là một trong những nhóm thực phẩm thiết yếu cung cấp rất nhiều vitamin và khoáng chất tham gia vào việc chuyển hóa năng lượng và giúp mọi hoạt động của cơ thể diễn ra trơn tru hơn.

Trái cây có nhiều loại, có loại làm tăng đường huyết chậm nhưng cũng có loại làm tăng đường nhanh chóng. Điều đó dựa vào hàm lượng đường và chất xơ trong trái cây. Những loại trái cây phù hợp cho người bệnh đái tháo đường là những loại chứa ít glucose, nhiều chất xơ và vitamin.

Người bệnh đái tháo đường nên ăn trái cây có chỉ số đường huyết thấp (GI bằng 55 hoặc ít hơn) như: bưởi, ổi, cam, táo, lê, chuối, thanh long, bơ… Hạn chế ăn trái cây có chỉ số đường huyết cao (GI bằng 70 trở lên), khi ăn vào đường sẽ tăng nhanh.

2. Một số trái cây có chỉ số đường huyết thấp phù hợp với người bệnh đái tháo đường

Quả lê có vị ngọt mát, ăn ngon đồng thời có chỉ số đường huyết là 38. Một quả lê nhỏ có khoảng 7g chất xơ, đáp ứng khoảng 20% lượng chất xơ hàng ngày mà cơ thể cần. Bạn nên ăn lê cả vỏ (nếu được trồng an toàn) vì lượng chất xơ, vitamin và khoáng chất dưới lớp vỏ lê cao nhất.

Cam

Cam có chỉ số đường huyết là 40. Ngoài cung cấp nguồn vitamin C dồi dào, cam còn cung cấp một lượng chất xơ tốt. Tuy nhiên cần lưu ý nên ăn cam cả múi thay vì uống nước ép cam để tận dụng chất xơ tránh tăng đường huyết.

Táo

Với chỉ số đường huyết là 39, táo cung cấp nhiều chất xơ. Ngoài ra, chúng còn có một lợi thế nữa là cung cấp vi khuẩn có lợi cho đường ruột và tăng cường lượng sắt trong cơ thể.

Anh đào

Anh đào có chỉ số đường huyết chỉ 20 tốt cho người bệnh đái tháo đường, đồng thời nó cũng rất giàu chất dinh dưỡng như: kali, chất chống oxy hóa và chất xơ tốt cho hệ thống miễn dịch và sức khỏe trái tim.

Mận

Mận có chỉ số GI là 29. Loại quả này cũng rất tốt cho người bị táo bón vì chúng là thuốc nhuận tràng tự nhiên hiệu quả. Chất xơ trong mận làm tăng khối lượng phân và giảm cholesterol.

Bưởi

Loại trái cây họ cam quýt này có chỉ số đường huyết là 25. Các chất dinh dưỡng quan trọng như: vitamin C, chất chống oxy hóa, kali và chất xơ trong bưởi giúp duy trì chức năng tim khỏe mạnh, tốt cho tiêu hóa và khả năng miễn dịch.

Bưởi có chỉ số đường huyết thấp.

Ổi

Ổi nằm trong danh sách các loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp với chỉ số là 12. Do giàu chất xơ nên ăn ổi giúp chúng ta no lâu hơn. Loại trái cây này cũng có tác dụng quan trọng trong việc làm giảm lượng đường trong máu, đặc biệt ở bệnh nhân đái tháo đường type 2.

Quả me

Me có chỉ số GI là 23. Me có nhiều chất xơ và chứa nhiều vitamin và khoáng chất như: kali, sắt, B1, B2, C, K... Loại trái cây này cũng có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, có thể hỗ trợ bảo vệ chống lại các bệnh như ung thư, đái tháo đường và bệnh liên quan đến tim mạch.

Dâu tây

Dâu tây là loại quả mọng có chỉ số GI là 41 và là một loại trái cây ăn nhẹ hoặc tráng miệng tuyệt vời được nhiều người ưa chuộng. Một cốc dâu tây có nhiều vitamin C hơn một quả cam. Chúng cũng là nguồn cung cấp chất xơ tốt và chứa polyphenol hoạt động như chất chống oxy hóa.

Ngoài dâu tây, các loại quả mọng khác như: Quả việt quất, quả mâm xôi… đều có chỉ số GI thấp phù hợp với người bệnh đái tháo đường.

Chanh dây

Chanh dây có chỉ số GI là 30 và nổi tiếng với tác dụng giảm cảm giác thèm đường cũng như tâm trạng thất thường. Ngoài ra, chanh dây còn giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, hỗ trợ sức khỏe tim mạch, giảm lo lắng và là nguồn cung cấp chất chống oxy hóa và chất xơ tốt.

Nghiên cứu cho thấy, chanh dây có hợp chất hoạt tính sinh học có thể cải thiện độ nhạy insulin. Bên cạnh đó, chúng còn có tiềm năng lớn trong việc giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh, trong đó có đái tháo đường.

Chanh dây.

Lời khuyên khi ăn trái cây với người bệnh đái tháo đường

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ngoài việc lựa chọn loại trái cây có chỉ số đường huyết thấp, người bệnh đái tháo đường nên ăn nhiều loại trái cây khác nhau để nhận được nhiều chất dinh dưỡng khác nhau; Nên chọn trái cây tươi, hạn chế sử dụng trái cây sấy khô vì tỷ lệ đường cao; Ăn nguyên trái, nguyên múi, ăn cả vỏ bởi chất xơ có nhiều trong vỏ; Hạn chế uống nước ép vì dễ làm tăng đường huyết sau khi ăn…