Một số nghiên cứu trước đây chỉ ra vài kiểu ăn giới hạn calo hoặc "chay tịnh" hoàn toàn có thể giúp ích cho bệnh nhân tiểu đường type 2, nhưng hầu hết khá khó thực hiện.
Công trình mới, dẫn đầu bởi Trường Đại học Y học lối sống Mỹ đề xuất chế độ ăn "whole-food" ưu tiên thực vật.
Kiểu ăn này khuyến cáo người áp dụng ăn nhiều rau quả, trái cây; ăn các món có độ chế biến thấp nhất có thể ví dụ như tránh xa tinh bột tinh chế mà ăn ngũ cốc nguyên cám (gạo lứt, bánh mì nâu, yến mạch...), nấu các món thịt cá từ thịt tươi sống thay vì đồ chế biến sẵn (đồ hộp, xúc xích, thịt nguội...), tránh đồ uống đóng chai...
Cách ăn này hay bị lầm lẫn với các kiểu ăn chay nhưng không phải. Chế độ ăn này chỉ yêu cầu bạn tiêu thụ đạm động vật vừa phải và ưu tiên đạm thực vật hơn một chút (ví dụ đậu và các loại hạt, nấm...).
Trong nghiên cứu mới, 59 bệnh nhân tiểu đường type 2 tại một cơ sở chăm sóc sức khỏe ở Virginia đã đạt kiểm soát đường huyết và chỉ số khối cơ thể (BMI) tốt hơn rõ rệt sau khi thử kiểu ăn này. Trong đó, 37 người đạt được sự thuyên giảm hoàn toàn cho căn bệnh từng bị tưởng là mạn tính và chỉ có thể nặng hơn theo thời gian.
"Tỉ lệ mắc tiểu đường type 2 đang gia tăng, cũng như sự công nhận của cộng đồng chăm sóc sức khỏe rằng chế độ ăn uống là biện pháp can thiệp chính có thể giúp đạt được sự thuyên giảm lâu dài" - tờ Medical Xpress dẫn lời TS Gunadhar Panigrahi.