Theo Thoidaiplus: Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn VNVC cảnh báo. "Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tháng tuổi, là nhóm tuổi có nguy cơ mắc và tử vong do viêm phổi cao nhất. Viêm phổi tiến triển rất nhanh dẫn đến biến chứng nặng, do đó tiêm chủng phòng bệnh, phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp hạn chế nguy cơ tử vong do viêm phổi".
Tại sao trẻ thường bị viêm phổi?
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng hô hấp nặng khiến các bộ phận chức năng phổi bị tổn thương. Viêm phổi có thể ở một vùng, một vài vùng hoặc toàn bộ phổi. Bệnh có khả năng tiến triển rất nhanh trong thời gian ngắn và gây nhiều biến chứng “khôn lường” như: nhiễm trùng huyết, viêm màng não, suy hô hấp nặng, viêm màng ngoài tim…
Có nhiều tác nhân gây ra viêm phổi ở trẻ như: vi khuẩn, virus, vi nấm,... Theo thống kê, viêm phổi do phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) là tác nhân phổ biến nhất. Phế cầu khuẩn thường trú trong hầu họng người lớn và trẻ em. Bệnh lây truyền rất nhanh qua đường không khí (ho, hắt hơi) thông qua việc tiếp xúc với người mang vi khuẩn trong người. Trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền, hệ miễn dịch kém là nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
Bác sĩ Chính cho biết, mặc dù có thể phòng ngừa bằng vắc xin và y học hiện đại đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị, nhưng mỗi năm vẫn có hàng triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì viêm phổi. Biểu hiện ban đầu của bệnh rất giống các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khác nên phụ huynh khá chủ quan tự ý điều trị cho trẻ bằng thuốc ho, thuốc kháng sinh khi trẻ có dấu hiệu ho, sổ mũi… Không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, viêm phổi ở trẻ có thể dẫn đến biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao.
8 dấu hiệu nhận biết bệnh viêm phổi ở trẻ
Bệnh có thể xuất hiện khi bé đang bị một đợt ho hoặc cảm cúm. Phụ huynh có thể dựa vào 8 dấu hiệu sau đây để “đoán” bệnh cho trẻ, nếu trẻ có tất cả các biểu hiện trên thì nhiều khả năng bé bị viêm phổi, đặc biệt phụ huynh cần chú trọng 3 dấu hiệu đầu tiên:
- Thở nhanh, thở dốc liên tục, thở rít, thở khò khè hoặc thở gắng sức. Thở gắng sức là trẻ thở rất khó khăn, cánh mũi phập phồng, thở rên, co kéo cơ liên sườn, co rút lõm lồng ngực.
- Ho khan, ho có đờm màu xanh hoặc màu vàng: đây chính là phản xạ rất quan trọng của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh đường hô hấp.
- Sốt vừa đến cao trên 39 độ C, vã mồ hôi và ớn lạnh.
- Đau tức ngực trong cơn ho và cả sau cơn ho.
- Mệt mỏi, chán ăn.
- Buồn nôn, nôn, đau bụng và tiêu chảy.
- Mệt mỏi, nằm li bì và ngủ liên tục.
- Môi và da xanh xao, nhợt nhạt do không có đủ oxy. Trong những trường hợp nặng, trẻ có thể không còn tỉnh táo, đầu ngón tay và chân thâm tím. Lúc này, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ?
Theo Thoidaiplus:Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I TP.HCM, Cố vấn chuyên môn Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng cho Trẻ em và Người lớn VNVC cho biết: “Để bảo vệ trẻ khỏi bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn gây ra, cần tạo môi trường sống lành mạnh, không cho trẻ tiếp xúc với nguồn bệnh, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và nuôi trẻ bằng sữa mẹ ít nhất 6 tháng đầu đời,... Đồng thời, tiêm vắc xin chính là giải pháp phòng bệnh tối ưu, an toàn và tiết kiệm nhất để bảo vệ trẻ trước nguy cơ nhiễm bệnh”.
Viêm phổi có 2 nhóm do virus và vi khuẩn. Ở nhóm viêm phổi do virus thì virus cúm là tác nhân có thể phòng bằng vắc xin cúm. Ở nhóm viêm phổi do phế cầu, có thể phòng bệnh bằng 2 loại vắc xin, là vắc xin Synflorix (Bỉ) dành cho trẻ từ 6 tuần đến 5 tuổi và vắc xin Prevenar 13 (Anh) dành cho trẻ từ 6 tuần tuổi và người lớn. Ở nhóm viêm phổi do vi khuẩn Hib, có thể phòng bệnh cho trẻ bằng các vắc xin: 6in1 Hexaxim (Pháp), Infanrix Hexa (Bỉ); 5in1 Pentaxim (Pháp) và Quimi-Hib. Tùy theo từng loại vắc xin mà có phác đồ tiêm chủng khác nhau.