Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển, khiến nhiều người mắc bệnh. Theo điều dưỡng Nguyễn Khánh Linh, khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4B), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sốt siêu vi là bệnh thường gặp trong thời điểm giao mùa với nguyên nhân là nhiễm virus. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể như hệ hô hấp, phổi hay ruột.
Vì vậy, điều dưỡng Linh khuyến cáo người dân cần lưu ý giữ sức khỏe, nhất là đợt dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Sốt siêu vi là gì?
Bác sĩ CKII Nguyễn Trí Thức, khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4B), cho biết sốt siêu vi còn tên gọi khác là sốt virus, do nhiễm phải nhiều loại virus (hay siêu vi trùng).
Đây được xem là bệnh cấp tính, hay gặp ở trẻ em và người già - có hệ miễn dịch yếu hoặc suy giảm theo thời gian.
"Hiện nay, chúng ta có rất nhiều chủng loại virus gây nên bệnh sốt siêu vi. Trong đó, những loại tiêu biểu như Adenovirus, Rhinovirus, Enterovirus... Tùy thuộc vào mỗi chủng loại, chúng sẽ gây ra những bệnh khác nhau. Mặc khác, sốt siêu vi có nhiều chủng khác nhau nhưng triệu chứng bệnh khá tương đương", bác sĩ Thức nói.
Theo điều dưỡng Khánh Linh, bệnh thường kéo dài 1-2 tuần. Trong thời gian này, bạn có thể gặp một số triệu chứng:
- Sốt cao đột ngột, nhiệt độ tăng lên 38-39 độ C, có khi tăng lên 40-41 độ C.
- Đau đầu: Cảm giác chao đảo, quay cuồng kèm theo cơn nhức đầu dữ dội.
- Có dấu hiệu viêm đường hô hấp: Ho nhiều, chảy nước mũi, hắt hơi…
- Hay ớn lạnh
- Mệt mỏi
- Đau nhức cơ
- Hệ tiêu hóa gặp vấn đề: Tiêu chảy, đau bụng...
Điều trị bệnh như thế nào?
Ngày nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được phương pháp điều trị đặc hiệu cho sốt siêu vi. Chúng ta chủ yếu điều trị triệu chứng, đồng thời hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động nhằm thúc đẩy quá trình hồi phục của cơ thể.
Bác sĩ Thức cho hay khi gia đình có người mắc bệnh nên chú ý những điểm sau:
- Hạ sốt: Uống paracetamol (khi nhiệt độ > 38,5 độ C), lau người bằng nước ấm, mặc quần áo thoáng mát.
- Uống nhiều nước: Bù nước điện giải bằng uống oresol, nước hoa quả...
- Nghỉ ngơi nhiều.
- Dinh dưỡng đảm bảo: Ăn những chất dễ tiêu như cháo.
Các chủng virus là tác nhân chủ yếu gây sốt trong căn bệnh này nên hoàn toàn có khả năng lây lan từ người này sang người khác. Những con đường lây nhiễm phổ biến nhất:
- Hô hấp: Khi người bệnh ho, hắt hơi vô tình đẩy virus từ người mang bệnh sang những người xung quanh.
- Tiêu hóa: Một số virus có khả năng tồn tại bên ngoài cơ thể bằng cách bám vào thực phẩm hay đồ uống.
- Đôi khi, virus siêu vi có nguy cơ lây qua: Quan hệ tình dục, truyền máu, từ mẹ sang con.
- Bạn có thể bị lây bệnh gián tiếp qua hành động tiếp xúc đồ vật nơi công cộng: Nắm cửa, hành lang.
Cách ngăn ngừa sốt siêu vi
Theo điều dưỡng Lê Thị Hằng, khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4B), để phòng bệnh, người dân cần:
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đúng bữa, khoa học để nâng cao thể trạng và hệ miễn dịch.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Tạo môi trường sống và làm việc sạch sẽ, thoáng mát, ngăn ngừa sự xâm nhập, phát triển của tác nhân gây bệnh.
- Tập thể dục hàng ngày để tăng cường sức khỏe.
- Tiêm phòng đầy đủ vaccine, đặc biệt là trẻ em.
- Không tiếp xúc với người bị bệnh hoặc có triệu chứng nghi ngờ bệnh.
- Không đến nơi đông người khi đang có dịch.
- Khi hắt hơi, sổ mũi nên lấy tay hoặc khăn giấy che lại, tránh lây nhiễm cho mọi người.
"Bệnh sốt siêu vi là căn bệnh thường gặp, không quá nguy hiểm nên mọi người cần hiểu rõ. Đây cũng là cách bảo vệ an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh, phòng ngừa hiệu quả nhất", điều dưỡng Lê Thị Hằng cho hay.