Hỏi:
Hiện nhiều người mắc cúm A, tuy nhiên, làm sao để phân biệt giữa cúm A và cúm thường để kịp thời có phương án điều trị thích hợp, mong bác sĩ tư vấn?
Trần Hương (Hà Nội)
BS. Trần Tiến Tùng, Chuyên khoa Truyền nhiễm, BV ĐK Medlatec trả lời:
Virus gây cúm A hay virus gây cúm B, C đều là những loại virus có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp. Thay vì xảy ra vào thời điểm giao mùa Đông - Xuân, năm nay, số ca mắc cúm A lại tăng đột biến vào những ngày đầu tháng 7, trong điều kiện thời tiết nắng nóng.
Một số triệu chứng thường gặp ở các loại bệnh cúm: Bệnh nhân bị sốt, ớn lạnh; đau đầu; mệt mỏi, chảy nước mũi; ho; hắt hơi; đau họng.
Một điểm giống nhau giữa cúm A và các loại cúm khác chính là có thể lây nhiễm trực tiếp từ người sang người.
Tuy nhiên cũng có những điểm khác nhau giúp bạn phân biệt cúm A với cúm thường. So với những loại cúm khác, triệu chứng của cúm A có thể gây ra những triệu chứng nặng và nguy hiểm hơn, cụ thể như sau: Sốt cao trên 38,5 độ C và thời gian sốt có thể kéo dài; cơ thể người bệnh mệt mỏi, đau nhức toàn thân; ho, khó thở, viêm, đau nhức vòm họng; nghẹt mũi, chảy nước mũi; đau bụng và buồn nôn. Ở trẻ em, bệnh có thể gây ra một số triệu chứng nghiêm trọng như bỏ bú, li bì, co giật…
Virus cúm A có nhiều chủng khác nhau, thường gặp nhất là chủng H1N1, H3N2, H5N1 hay H7N9. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, loại virus này có khả năng biến đổi và tạo ra những chủng mới qua các mùa.
Bên cạnh đó, virus cúm A cũng có thể tồn tại khá lâu ở môi trường bên ngoài, chẳng hạn như bề mặt bàn ghế, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa…
Thậm chí, virus có thể sống vài ngày trên quần áo và vài tuần dưới nước lạnh, do đó, khả năng lây lan của cúm A sẽ cao hơn những loại cúm khác.
Để chủ động phòng bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên tiêm vaccine phòng cúm hàng năm, đặc biệt với nhóm nguy cơ.